Diện mạo thành phố đáng sống

Lê Thư thực hiện 13/03/2017 08:34

“Tôi không có điều kiện ở biệt thự cao cấp, vào khu mua sắm đắt đỏ… mà vẫn có thể thưởng thức thành phố, thấy được sẻ chia, gắn bó và yêu nó theo cách của riêng mình. Đấy mới là điều khiến một thành phố có thật sự đáng sống hay không”, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, PGS.TS. Phạm Thúy Loan chia sẻ.

Có nhiều lựa chọn văn hóa

Những năm gần đây, các thành phố ở Việt Nam biến đổi không ngừng. Theo bà, tiêu chí đầu tiên để nói một thành phố đáng sống là gì?

- Tôi cho rằng, nó phải ẩn chứa những thông điệp cảm xúc. Sự khác biệt lớn và quan trọng nhất giữa cái gọi là nơi chốn với địa điểm ở chỗ không gian đó đáp ứng nhu cầu của nhiều người, chạm đến cảm xúc của nhiều người. Tôi không có điều kiện ở biệt thự cao cấp, vào khu mua sắm đắt đỏ mà vẫn có thể thưởng thức thành phố, thấy được sẻ chia, gắn bó với nó và yêu nó theo cách của riêng mình… Đấy là điều khiến thành phố có thật sự đáng sống hay không.

Tập thể dục buổi sáng bên Hồ Gươm Nguồn: Cinet.vn
Tập thể dục buổi sáng bên Hồ Gươm Nguồn: Cinet.vn

Ở Hà Nội, người ta vẫn thích đến Hồ Gươm, dạo quanh phố cổ, ngồi trà đá, cà phê, nghe nhạc ngoài đường vào buổi tối… Tôi cho đó là khía cạnh đáng sống của Hà Nội - nơi có rất nhiều lựa chọn văn hóa dành cho mọi người. Như địa chỉ 22A Hai Bà Trưng chẳng hạn, là một không gian rất nhỏ nhưng vô cùng duyên dáng, yên tĩnh ở trung tâm thành phố, tất cả câu chuyện của nó đều xoay quanh văn hóa của một thành phố, là nơi nuôi dưỡng cảm xúc của nhiều nghệ sĩ. Tiếc rằng, nó đang trong quá trình chuyển đổi trở thành một trung tâm như Tràng Tiền Plaza.

Cần thấy rằng, một thành phố phải đa dạng nơi chốn như thế, và nhờ vậy, nó trở nên hấp dẫn và có giá trị. Ngược lại, thành phố sẽ rất buồn.

Tạo ra vốn xã hội

Quan hệ giao tiếp giữa con người với nhau tác động ra sao đến việc một nơi có đáng sống hay không?

“Trong quy hoạch, thiết kế đô thị, có những yếu tố nếu giữ lại sẽ được coi như của để dành, đem lại nguồn lợi tuyệt vời. Nhưng hiện nay, không ít điểm lịch sử, kiến trúc một là không được chăm sóc, hai là bị đánh sập để thay thế bằng các dự án mới. Rất nhiều dự án mới chỉ quan tâm đến cấu trúc hạ tầng còn không gian, tính đặc sắc gắn với từng khu thì không có. Trong khi một thành phố đẹp không chỉ vì các công trình riêng lẻ mà ở sự điều tiết, phối hợp giữa chúng”

 PGS.TS. Phạm Thúy Loan,
 Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia

- Ta biết chợ tình Sa Pa (Lào Cai) chỉ diễn ra trên bãi đất trống nhưng sự giao lưu của con người đã biến nó trở thành nơi thú vị. Hoặc Hà Nội có rất nhiều khu tập thể hình thành những năm 60, 70 của thế kỷ trước như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thanh Xuân… có hình thái tổ chức rất tốt. Giới nghiên cứu chúng tôi vẫn cho rằng, trong quy hoạch cần gìn giữ những khu tập thể như thế. Không chỉ vì nó là một phần lịch sử của Hà Nội, mà không gian ấy cho phép tất cả cư dân giao lưu với nhau, nghĩa là cung cấp một môi trường tương tác, trải nghiệm lý tưởng giữa cái tôi với cái ta. Chứ không phải tạo ra những căn hộ cao cấp đóng kín, tuy hiệu quả về mặt kinh tế nhưng lại là thất bại về mặt tạo ra vốn xã hội, là những giá trị sống của đô thị.

Tạo ra vốn xã hội có phải là một trong những đích hướng tới của ngành quy hoạch, thiết kế đô thị?

- Thiết kế đô thị đương đại quan tâm nhiều đến cảm xúc con người. Bản chất của kiến tạo thành phố không phải tạo ra khối vật chất vô hồn mà là kiến tạo xã hội, có nghĩa là các cộng đồng dân cư trong đó phải có sự yêu thương, chia sẻ với nhau. Đấy cũng là đích của quy hoạch và thiết kế đô thị. Nhưng khái niệm về cảm xúc môi trường thực sự không được bàn đến ở Việt Nam. Mọi người thường tập trung vào phần thô hơn là quan tâm đến không gian công cộng có tính kích thích sáng tạo, mang lại cảm xúc cho cộng đồng. Một thành phố gồm rất nhiều tòa nhà, từng chủ đầu tư sẽ quan tâm đến tòa nhà của họ, nhưng ít ai quan tâm đến các không gian trống. Ai là tổng đạo diễn cho không gian này? Chớ trêu thay, hầu như chúng ta đều trải nghiệm thành phố bằng không gian ấy.

Dành cho mọi người

Bà đánh giá như thế nào về các không gian công cộng ở đô thị hiện nay?

- Đời sống đô thị đang diễn ra rất đáng yêu. Mọi người tìm ra chỗ để thực hiện các hoạt động ưa thích. Nhưng rõ ràng, hoạt động trong không gian công cộng này chủ yếu tận dụng mà có, chứ ta hầu như không chuẩn bị cho người dân những không gian xứng đáng. Vài năm gần đây, một nhóm độc lập có tên là Think Playground đã xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em ở trung tâm thành phố. Họ đã làm điều mà những nhà hoạch định quên lãng, nhưng như thế chưa đủ cho lâu dài.

Thời gian qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực cải thiện không gian sống, nhưng vấp phải những sai lầm, như trang trí đèn hoa, điêu khắc, cây xanh… Nếu làm không hiệu quả thì hiệu ứng không tốt, ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người, lại tốn kém…

Theo bà, làm cách nào để một thành phố, như Hà Nội chẳng hạn, trở nên đáng sống?

- Để một thành phố trở nên đáng sống phải gắn với bối cảnh kinh tế và cần cả một quá trình. Với Hà Nội, cần quan tâm hơn đến yếu tố lịch sử với những di sản hàng trăm năm tuổi, từ đó, kiện toàn cấu trúc cho không gian công cộng, đầu tư mang tính kích hoạt để tạo nguồn lực hiệu quả lâu dài. Để làm được điều đó cần sự nỗ lực của mọi người.

Xin cảm ơn bà!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Diện mạo thành phố đáng sống
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO