Lào Cai sau 5 năm thực hiện chính sách giảm nghèo

Diện mạo nông thôn mới tại các xã vùng cao

- Thứ Tư, 26/06/2019, 07:08 - Chia sẻ
Sau 5 năm (từ 2014 - 2018) thực hiện các dự án về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã, thôn bản khó khăn và đặc biệt khó khăn theo nguồn vốn đầu tư của Trung ương, trong đó có một phần vốn đối ứng của tỉnh Lào Cai đã làm cho diện mạo nông thôn tại các xã vùng cao của tỉnh không ngừng đổi mới. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội phát triển về mọi mặt.

Xóa “trắng” cơ sở hạ tầng

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản: Thông qua các nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình 135 và Nghị quyết 30a; Quyết định số 293/QĐ-TTg về chính sách đầu tư cho các huyện nghèo, các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, hàng năm các xã, thôn bản khó khăn và đặc biệt khó khăn đã được đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông liên xã và đường giao thông thôn bản; đầu tư mới trường lớp học, nhà ăn cho học sinh các trường bán trú, công trình thủy lợi, nhà văn hóa xã, thôn bản, kéo điện lưới quốc gia cho các thôn bản chưa có điện. Trong 5 năm (2014 - 2018), tổng số vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 6.160.000 triệu đồng… Qua đó, đã không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt và nhanh nhất.

Sau 5 năm, từ 2014 - 2018, nhiều thôn, bản đặc biệt khó khăn trước đây gần như “Trắng” về cơ sở hạ tầng như: Không điện, không đường, không có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, không có nhà văn hóa thôn bản, người dân không được tiếp cận với các dịch vụ bưu chính viễn thông, intenet, tiếp sóng nghe, nhìn... Đến nay, các thôn bản đặc biệt khó khăn này hàng năm đã được bổ sung đầu tư mới nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, xóa dần các khoảng cách với các thôn bản có điều kiện thuận lợi khác.

Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tăng cường tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững để giao chỉ tiêu kế hoạch, cũng như làm căn cứ cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã triển khai thực hiện; với định mức hỗ trợ, mỗi thôn, bản khó khăn hàng năm được đầu tư các mô hình phát triển sản xuất 50 triệu đồng/thôn và không quá 4 thôn/xã/năm. Vì vậy, những năm gần đây tại các thôn bản vùng cao đã xuất hiện nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế và cho thu nhập cao, ổn định như: Quýt, chuối, dứa, chè Mường Khương; gạo nếp Thẩm Dương, Văn Bàn; rau trái vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng sạch tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát; Bò H’Mông, Gà H’Mông tại Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai; mô hình dược liệu Đương Quy, Xuyên Khung, Cát Cánh, Đẳng Sâm, Tam Thất tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai…

Điều đáng nói là tại các địa phương này trước đây người dân còn lúng túng trong tìm các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp, thì nay nhiều người dân đã có kỹ thuật thuần thục để sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, được thị trường chấp nhận.


Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai dự khởi công đường giao thông tại huyện Mường Khương

Giáo dục toàn diện được nâng lên

Trong lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội: Về y tế, hàng năm 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại các thôn bản đặc biệt khó khăn đã được cấp, phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, khi ốm đau, nằm viện điều trị nội trú được điều trị miễn phí và được hỗ trợ tiền ăn bằng 0,3 mức lương cơ sở; phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ kinh phí với số tiền 2 triệu đồng/bà mẹ để chăm sóc sức khỏe mẹ và bé; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho người dân ở các tuyến đều được đầu tư khá đồng bộ và bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh phục vụ nhân dân; trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễm phí.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các trường lớp học được xây dựng khang trang, sạch, đẹp; học sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo và tiền ăn tại trường, có chỗ ở khang trang, sạch đẹp; được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập để tạo điều kiện tốt nhất cho các em được đến trường học. Thực hiện duy trì, nâng cao phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học, trung học cơ sở; chất lượng giáo dục toàn diện tại các xã vùng cao không ngừng được nâng cao…

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực

Để có được những kết quả trên, trước hết do các cấp, các ngành đã thực hiện tốt các chính sách đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở nguồn vốn hàng năm do Trung ương cấp, tỉnh Lào Cai đã chủ động bố trí vốn đối ứng phù hợp theo từng nguồn, bảo đảm tranh thủ tối đa nguồn vốn do Trung ương cấp hàng năm theo mỗi chương trình mục tiêu.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng khó khăn như: Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, quy định hỗ trợ cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh tại các trường bán trú, hỗ trợ học phẩm, sách giáo khoa cho học sinh có hộ khẩu thường trú tại khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn; Nghị quyết ban hành mức hỗ trợ kinh phí cho các xã thuộc huyện Si Ma Cai tỉnh Lào Cai thực hiện giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, mỗi xã trên địa bàn huyện mỗi năm được hỗ trợ 2 tỷ đồng để thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn…

Từ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Trung ương và tỉnh Lào Cai cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã góp phần đáng kể vào việc phát triển nông thôn vùng cao, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3 - 5%. Năm 2018, toàn tỉnh còn 27.364 hộ nghèo, chiếm 16,25% và không còn hộ đói, nâng cao số lượng hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, góp phần đưa Lào Cai không ngừng phát triển về mọi mặt.

Hà Thị Thiệp - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai