Điện lực Hòa Bình hướng tới doanh nghiệp số

- Thứ Ba, 07/12/2021, 15:49 - Chia sẻ
Xác định chuyển đổi số là một trong những yếu tố then chốt quyết định tới sự thành công của doanh nghiệp, vì vậy, ngay sau khi Tổng công ty Điện lực miền Bắc ban hành chỉ thị 2511/CT-EVNNPC về việc triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2021 – 2022, thời gian qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã tập trung xây dựng lộ trình thực hiện và từng bước đặt những dấu chân vững chắc trên hành trình số hóa.
Hướng dẫn khách hàng tải ứng dụng và sử dụng tra cứu dịch vụ điện tử
Hướng dẫn khách hàng tải ứng dụng và sử dụng tra cứu dịch vụ điện tử

Sau khoảng thời gian nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận công nghệ, cũng như thực hiện chuyển đổi số từ năm 2020, đến nay PC Hòa Bình đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Theo đó, thông qua việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0; Số hóa các dịch vụ điện năng; Áp dụng hệ thống văn phòng điện tử, cũng như tăng cường ứng dụng nền tảng hội họp trực tuyến… đã giúp Công ty tạo nên sự thay đổi căn bản trong công tác quản lý, vận hành và kinh doanh, dịch vụ khách hàng.

Hiện, PC Hòa Bình đã và đang tích cực tham gia vào quá trình vận hành các hệ thống phần mềm như: Phần mềm quản trị hệ thống nhân sự HRMS; Vận hành phân hệ chi trả tiền lương của người lao động Paypoll thuộc phần mềm ERP; Phần mềm chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ KPIs; Phần mềm văn hóa doanh nghiệp và phần mềm văn phòng điện tử E-Office. Đặc biệt, Công ty cũng đang tập trung triển khai dự án quản lý lưới điện trên bản đồ hành chính GIS; Quản lý nguồn và lưới điện (PMIS); Áp dụng chức năng giám sát dữ liệu mất điện thu thập từ hệ thống công tơ đo xa và trên phần mềm OMS; Chuẩn hóa thông tin khách hàng và số hóa hợp đồng mua bán điện; Ứng dụng công nghệ Flycam để kiểm tra đường dây và trạm biến áp; Đẩy mạnh đấu thầu qua hệ thống điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Bên cạnh đó, trong lĩnh vực số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty cũng đang đang xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện trung áp DMS; Dự án đa chia, đa nối MDMC để chuyển các TBA 110 kV sang chế độ không người trực. Đồng thời, PC Hòa Bình còn số hóa phần mềm quản lý máy biến áp để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và quản trị điều hành hệ thống điện.

Đảm bảo an toàn thông tin hệ thống máy chủ của Công ty phục vụ chuyển đổi số
Đảm bảo an toàn thông tin hệ thống máy chủ của Công ty phục vụ chuyển đổi số

Riêng trong lĩnh vực quản trị nội bộ, mà trọng tâm là lĩnh vực quản trị văn phòng, PC Hòa Bình đã và đang áp dụng triệt để hệ thống văn phòng điện từ E-Office tới tất cả CBCNV. Toàn bộ quy trình soạn thảo, phê duyệt, ban hành, tiếp nhận, lưu trữ văn bản đều đã được thực hiện trên môi trường số. Nhiều lĩnh vực trong công tác văn phòng đã được số hóa và liên kết với E-Office như: Lịch tuần, đăng ký công tác, quản lý công tác. Đến nay, Công ty đã áp dụng số hóa chữ ký điện tử tới 100% cán bộ lãnh đạo và thực hiện ký số 100% văn bản nội bộ, văn bản đi trong toàn đơn vị; Duy trì triển khai 100% các cuộc họp không sử dụng giấy tờ; Số hóa dữ liệu tổ chức hội nghị/hội thảo; Áp dụng 100% chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ sự chỉ đạo, điều hành dựa trên hệ thống phần mềm được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên hệ thống thông tin…

Cùng với đó, PC Hòa Bình cũng đã đồng bộ, nâng cấp hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao độ ổn định mạng hệ thống mạng internet với đường truyền tốc độ cao để kết nối các máy tính, người dùng, chia sẻ tài nguyên lưu trữ dùng chung. Hiện nay, các cuộc họp giao ban công tác tháng, họp chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, công tác đoàn thể… đều được kết nối trực tiếp từ trụ sở nhà điều hành Công ty tới các Điện lực thông qua ứng dụng Zoom Meeting. Do vậy, số lượng cuộc họp trực tiếp tại trụ sở Công ty đã giảm đáng kể, qua đó đã góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, lưu trú... cho Đơn vị.

Mặt khác, với tâm niệm “Khách hàng là trung tâm” nên trong suốt thời gian qua, nội dung chuyển đổi số của PC Hòa Bình cũng tập trung xoay quanh công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng một cách đồng bộ nhằm tạo ra một “không gian số” để giữa ngành Điện với khách hàng có sự tương tác tốt nhất. Theo đó, đơn vị đã đẩy mạnh triển khai số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt với khối lượng thực hiện trong 9 tháng đầu năm đạt 212.264 khách hàng, tương ứng tỷ lệ 90,6%. Ngoài ra, PC Hòa Bình cũng đẩy mạnh ứng dụng thanh toán điện tử; Cung cấp dịch vụ điện trực tuyến qua Cổng thông tin dịch vụ công, qua App chăm sóc khách hàng EVNNPC.CSKH. Đặc biệt, Công ty còn cung cấp thông tin điện lực dựa trên nền tảng interner thông qua ứng dụng Zalo và thay thế lắp đặt công tơ cơ khí sang công tơ điện tử đo xa. Với các nền tảng này, khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi và chỉ cần vài cú click chuột hoặc thao tác trên điện thoại di động kết nối internet.

Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai ký kết hợp đồng mua bán điện bằng hình thức điện tử, PC Hòa Bình cũng tích cực triển khai thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt cho khách hàng. Cụ thể, Công ty đã liên kết với các tổ chức trung gian như: Viettel Pay, VNPT Pay, MoMo, Zalo Pay… để thanh toán qua các ví điện tử. Đồng thời, PC Hòa Bình còn liên kết với nhiều ngân hàng lớn trên địa bàn như: Agribank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, Vpbank… để thu tiền điện qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, Công ty còn đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền tới khách hàng sử dụng điện về các lợi ích của hình thức này nhằm xây dựng thói quen mới cho người dân. Nhờ vậy, tỷ lệ khách hàng thanh tiền điện thông qua hình thức này năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, nếu như năm 2018, thời điểm PC Hòa Bình bắt đầu triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, toàn tỉnh mới có 28% khách hàng sử dụng. Bước sang năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 32% và năm 2020 đã tăng lên 42%. Dự kiến, đến cuối năm 2021 này, tỷ lệ khách hàng ứng dụng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của toàn tỉnh sẽ tăng lên 50,5 %.

Bảo Ngân