Bảo đảm cung ứng điện ổn định, tin cậy
Đảng và Chính phủ luôn coi đầu tư đưa điện về nông thôn là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội và chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Công cuộc điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn. Ở thời kỳ nào, người làm điện Việt Nam cũng đều nỗ lực không ngừng để đưa dòng điện tới những vùng sâu, vùng xa nhất của đất nước.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8.11.2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, sau đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 có thể được xem là chặng đường cuối cùng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2016 - 2020, huy động vốn ngân sách Trung ương cho chương trình là 4.743 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư. Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như 17/17 xã được cấp điện đạt 100% kế hoạch đề ra; cấp điện cho các đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Nhơn Châu (Bình Định), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Trần và Cái Chiên (Quảng Ninh). Số hộ dân được cấp điện từ các nguồn trong giai đoạn vừa qua là 204.737/1.076.000, đạt 19% trên địa bàn 3.079 thôn, bản thuộc 1.107 xã.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay, mức độ phủ điện của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. EVN đã cấp điện đến 100% số xã. Số hộ dân có điện, sử dụng điện tăng từ 97,31%, tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47%, tương ứng 27,41 triệu hộ (tháng 6.2019). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29%, tương ứng 13,26 triệu hộ (năm 2010) lên 99,18%, tương ứng 16,98 triệu hộ (tháng 6.2019).
Có thể nói, Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho những hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Kết quả này đạt được dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, giám sát chặt chẽ của Quốc hội; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, cùng sự nỗ lực của EVN, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.
Thay đổi diện mạo làng quê
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, việc phát triển hệ thống lưới điện nông thôn đã làm "thay da đổi thịt" bộ mặt nông thôn Việt Nam. Điện lưới nông thôn đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo đã tiếp cận với những thông tin, tiếp cận được với khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế địa phương.
Tỉnh Sơn La đã đưa nhiệm vụ cấp điện nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, là chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2020, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La đã đầu tư cấp mới cho 16.528 hộ dân; nâng cấp điện an toàn cho 1.012 hộ dân; nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn từ 86,7% năm 2015 lên 97,5% năm 2020. Những kết quả này đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kinh tế 5,46% của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020, trong đó riêng năm 2020 đạt 6,08%, xếp thứ 3/14 tỉnh, thành vùng Trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 12 cả nước.
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành điện lực Lạng Sơn đã tập trung đầu tư cho các dự án điện. Trong đó, nổi bật là dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 100% số xã có điện; số thôn bản đã có điện là 1.662/1.662 đạt 100%; số hộ dân đã có điện toàn tỉnh là 202.600/203.134 hộ, đạt tỷ lệ 99,74%. Trong đó, tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia là 99,65%; số hộ dân nông thôn chưa có điện là 530 hộ bằng 0,35%. Việc đưa điện lưới quốc gia đến với các vùng nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn...
Từ những kết quả trên, có thể thấy, Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Điện khí hóa nông thôn giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, nuôi trồng, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới...
Với vai trò chủ lực, nòng cốt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Tới hết năm 2023, 100% số xã trên cả nước đã có điện, số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 99,6%.
Hiện nay, EVN vẫn đang nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan để đưa ánh điện tới hầu hết các hộ dân nông thôn. Song song đó, EVN cũng không ngừng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ điện, dịch vụ chăm sóc khách hàng; nỗ lực để người dân nông thôn, biển đảo được sử dụng, trải nghiệm những dịch vụ điện 4.0 hiện đại và tiện lợi.