Diễn họa lịch sử nghìn năm

- Thứ Hai, 16/11/2020, 05:55 - Chia sẻ
Những nếp phục trang, những món bảo khí, đường nét trang trí đế đình... lần hồi hiện lên trên trang sách về nghìn năm sử Việt. Tác giả mong muốn đưa người đọc trở về năm tháng vàng son xưa, từ đó dung dưỡng tình yêu lịch sử dân tộc.

Năm tháng vàng son xưa

Dự kiến cuối tháng 11, “Việt sử diễn họa” sẽ chính thức ra mắt. Cuốn sách tóm tắt lịch sử Việt Nam từ thuở hồng hoang với truyền thuyết Con rồng cháu tiên đến năm 1945, khi triều đại phong kiến cuối cùng chấm dứt. Liệu hơn 200 trang sách có thể truyền tải hàng nghìn năm lịch sử? Câu hỏi đầy thách thức nhưng đã bao hàm lý do thôi thúc tác giả Thanh Huyên thực hiện cuốn sách. Chúng ta đều đã được học, đọc lịch sử, nhưng mọi người có nhớ được thứ tự, sự kiện lịch sử tiêu biểu, hay đôi khi lẫn lộn, cái nhớ cái không? Mọi người có hình dung được con người, đồ vật… thời ấy ra sao, hay chỉ mông lung mường tượng? Nữ họa sĩ sinh năm 1992 chia sẻ, cô muốn bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi đó.

Tác phẩm với minh họa sinh động, đưa người xem trở về năm tháng vàng son của sử Việt

“Việt sử diễn họa” được sản xuất bởi Comicola - công ty chuyên xuất bản các ấn phẩm truyện tranh của họa sĩ trẻ Việt Nam. Ngay khi xuất hiện thông tin trên fanpage Comicola, tác phẩm đã lập tức thu hút sự chú ý với 1,5 triệu lượt thích cùng nhiều bình luận hưởng ứng.

Dựa trên những ghi chép trong tư liệu lịch sử, Thanh Huyên lựa chọn các mốc thời gian, tóm tắt dòng sự kiện để đưa vào sách. Theo trục thời gian, lịch sử hiện ra ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung. Ví dụ, chuyện về nước Âu Lạc gồm trang đầu nói về việc An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, trang sau nói chuyện Mỵ Nương được gả cho Trọng Thủy rồi bị mất nước. Viết về thời nhà Trần, câu chuyện lịch sử kéo dài qua nhiều đời, họa sĩ gói trong các chuyện: Nhà Trần ban sơ, ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, nhà Trần hưng thịnh và nhà Trần suy tàn, mỗi chuyện khoảng 2 trang.

Thanh Huyên nói, cuốn sách chuyển tải thật vắn tắt những thông tin lịch sử, để ngay cả trẻ em và những người không thích lịch sử cũng có thể đọc hiểu và dễ nhớ. “Nhưng chỉ tổng hợp sự kiện thôi thì không đủ, chưa nói nhiều người đã làm rồi, mà tôi phát triển, cho nó sự sinh động, bắt mắt”. Quá trình sáng tạo bắt đầu từ viết lời, sau đó tìm hiểu, chắt lọc chi tiết, câu chuyện nổi bật nhất để làm chủ đề cho tranh vẽ.

Hơn 100 tranh minh họa cho khoảng 68 câu chuyện. Việc đan xen, lồng ghép phần chữ và hình vẽ trau chuốt, màu sắc rực rỡ có “ý đồ” thu hút ánh nhìn của độc giả. “Lịch sử không khô khan, lịch sử lại càng cuốn hút bởi cái mà chúng ta cảm nhận qua đôi mắt. Tôi chọn diễn họa bởi không cần cốt truyện quá chi tiết, không cần hội thoại giữa các nhân vật, tôi dùng hình vẽ hoạt hình gần gũi với giới trẻ để kể về năm tháng vàng son xưa cũ”.

Đằng sau việc “diễn họa” câu chuyện, sự kiện lịch sử còn là những trang phục cổ, những món bảo khí, đường nét trang trí đế đình… thể hiện sự dày công tìm tòi, nghiên cứu của họa sĩ, nhằm tái hiện phần nào lịch sử.

Kế thừa truyền thống

Ý tưởng có từ lâu nhưng thời điểm Thanh Huyên bắt tay thực hiện cuốn sách là cách đây 9 tháng. Trong đó, họa sĩ dành 3 tháng tập trung hoàn toàn cho việc viết, vẽ minh họa. 5 năm làm việc trong nhóm Đại Việt cổ phong (nhóm nghiên cứu tái hiện, lan tỏa văn vật của nước Việt xưa) đã giúp cô có nền tảng kiến thức về hoa văn, trang phục, đồ vật… các triều đại phong kiến Việt Nam, từ đó ứng dụng vào cuốn sách. Tuy nhiên, công việc minh họa không đơn giản khi các giai đoạn lịch sử trải dài và sự phát triển văn hóa đa dạng, phong phú.

Hàng trăm nhân vật xuất hiện với diện mạo, tác phong, trang phục khác nhau. Thậm chí, bối cảnh khác đã quyết định trang phục khác. Không chỉ quần áo của vua chúa, mà còn của lính, của dân… từng chi tiết đều phải dựa trên tìm hiểu, nhiều khi là tham khảo ý kiến của người đi trước. Suốt quá trình đó, họa sĩ vấp phải khó khăn lớn là tư liệu do hoàn cảnh lịch sử đã bị mất mát khá nhiều. Thời gian càng lùi xa càng đòi hỏi sự dày công nghiên cứu. “Quá trình phục dựng bởi vậy khó tránh được thiếu sót. Tuy nhiên, tôi luôn muốn đưa ra những hình ảnh gần với truyền thống nhất. Song trong cuốn sách tôi không giải thích chút nào về trang phục, mà cố gắng vẽ sao cho đúng nhất”.

Sự dày công không chỉ là trang phục mà còn với từng đồ vật xuất hiện trong hình minh họa như bình gốm, đế đèn… Bằng cách tìm hiểu các vật dụng được trưng bày trong bảo tàng, hình vẽ trong sách nghiên cứu, Thanh Huyên phục dựng và đưa vào không gian của câu chuyện lịch sử. Họa sĩ cho rằng, không gì tốt hơn bằng việc làm một cuốn sách vừa ghi lại lịch sử, vừa làm sống lại quá khứ sinh động. Từng chi tiết dù nhỏ bé, nhưng ít nhiều tạo ra cảm giác thân quen. Sự thân quen ấy theo một cách tự nhiên sẽ mang đến những bài học đáng quý từ tiền nhân.

“Nhiều người hỏi tại sao phải tỉ mỉ từng chi tiết? Có thể những cái đó bình thường độc giả không để ý nhưng tôi muốn tạo cho họ cảm giác quen mắt. Biết đâu đấy, có người sẽ tình cờ gặp lại ở đâu đó, và chợt nhớ ra mình đã bắt gặp nó rồi, rằng trang phục này, họa tiết này, đồ vật này là của Việt Nam, đã có từ thời nào… Một cuốn sách về sử Việt, thật khó ôm đồm quá nhiều nhưng tôi luôn hy vọng ‘Việt sử diễn họa’ mang lại ý nghĩa cho mọi người, bắt đầu từ tình yêu thích lịch sử qua những trang viết, tranh vẽ”.

Hải Đường