"Điện đi trước một bước" nơi cửa khẩu:Nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế
Chiến lược "Điện đi trước một bước" của Công ty Điện lực Lạng Sơn cho thấy sự chủ động của ngành điện trong việc cung cấp năng lượng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu.
Tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa
Lạng Sơn tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm xuất nhập khẩu quan trọng ở khu vực phía Bắc. Tính đến ngày 30/6/2025, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua địa bàn Chi cục Hải quan Khu vực VI quản lý đạt gần 42,5 tỷ USD, tăng 50,32% so với cùng kỳ năm 2024. Hiệu suất thông quan đạt trên 1.650 xe/ngày, ngày cao điểm nhất ghi nhận 1.930 xe/ngày.

Việc bảo đảm cung cấp điện ổn định và liên tục tại các khu vực cửa khẩu là yếu tố then chốt để duy trì hoạt động thông suốt của các hoạt động kinh tế, thương mại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. "Điện đi trước một bước" không chỉ đơn thuần là cung cấp điện, mà còn bao hàm cả việc quy hoạch, đầu tư và phát triển hệ thống điện đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các hoạt động kinh tế tại khu vực biên giới.
Tại các cửa khẩu lớn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, hệ thống cấp điện luôn bảo đảm vận hành an toàn, liên tục, ngay cả trong những giai đoạn cao điểm như mùa xuất khẩu nông sản hay lễ, Tết. Nhờ vậy, các thiết bị điện tử hiện đại như máy soi container, camera giám sát an ninh, barie tự động, hệ thống hải quan điện tử đều vận hành thông suốt 24/7, bảo đảm tiến độ thông quan nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trong thời cao điểm, nhất là khi lưu lượng phương tiện và hàng hóa tăng cao, ngành điện luôn chủ động phối hợp, bố trí lực lượng trực, xử lý kịp thời sự cố nếu phát sinh. Nhờ đó, hoạt động thông quan tại cửa khẩu được duy trì thông suốt, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - thương mại khu vực biên giới. Nguồn điện ổn định còn giúp hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực cửa khẩu yên tâm vận hành sản xuất, kinh doanh. Các kho lạnh bảo quản nông sản, hệ thống logistics, dịch vụ bốc xếp, vận tải, nhà hàng, khách sạn… đều được bảo đảm nguồn điện liên tục, giúp giảm tổn thất hàng hóa, tối ưu chi phí lưu kho và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Điển hình, Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương luôn được PC Lạng Sơn cung cấp nguồn điện ổn định, liên tục suốt gần 20 năm hoạt động tại cửa khẩu Hữu Nghị. Đây là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Hiện công ty sở hữu hệ thống bến bãi 25,6ha, năng lực giải phóng 2.000 xe/ngày, sang tải 1.600 xe/ngày, cùng nhiều thiết bị hiện đại như cẩu trục, xe nâng, băng chuyền, hệ thống kho lạnh hơn 5.000m². Tất cả đều vận hành hiệu quả nhờ nguồn điện tin cậy, nhất là vào giờ cao điểm thông quan. Đại diện Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương đánh giá cao sự đồng hành của PC Lạng Sơn trong việc bảo đảm nguồn điện liên tục, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Nhờ đó, doanh nghiệp duy trì tốt năng lực phục vụ và khẳng định vị thế trong chuỗi logistics tại cửa khẩu phía Bắc.
Đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho lưới điện
Những năm qua, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc/Công ty Điện lực Lạng Sơn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhằm bảo đảm năng lực cấp điện phục vụ phát triển kinh tế cửa khẩu, cũng như phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cuối năm 2024 và đầu năm 2025, PC Lạng Sơn đã phối hợp đóng điện Trạm 110kV Bình Gia và Trạm 110kV Lộc Bình, đồng bộ với việc xây dựng xuất tuyến trung áp sau các trạm; tạo thêm các mạch vòng liên lạc giữa Trạm 110kV Bình Gia với các trạm 110kV Tràng Định, Đồng Đăng, Hữu Lũng...
Bên cạnh các dự án 110kV, PC Lạng Sơn cũng chú trọng công tác hiện đại hóa lưới điện toàn tỉnh với 8/8 trạm 110kV đã chuyển sang vận hành không người trực, thiết bị được giám sát, điều khiển từ xa. Hệ thống trung áp cũng đã triển khai 10 mạch vòng tự động hóa, kết nối 174 thiết bị đóng cắt xa về trung tâm điều khiển PC Lạng Sơn...
Không chỉ tập trung ở khu vực biên giới, công tác nâng cấp, hiện đại hóa lưới điện trên toàn tỉnh cũng được triển khai đồng bộ. Cuối năm 2024, Công ty đã hoàn thành 12 công trình cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn không bảo đảm với khối lượng cải tạo 309,6km đường dây 0,4kV trên địa bàn 72 xã, bảo đảm vận hành, tỷ lệ hộ dân có điện đạt 99,80% vào cuối năm 2024.
Việc triển khai chiến lược "Điện đi trước một bước" đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn. Điều này cho thấy vai trò không thể thiếu của điện trong việc tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt ở những khu vực có hoạt động giao thương sôi động như cửa khẩu.