Nhiều hoạt động ý nghĩa
Với sự tham dự của 306 đại biểu là các đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2, năm 2024 có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Các đại biểu sẽ được tham gia trải nghiệm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám; dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Bắc Sơn, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Bảo tàng Quốc hội. Sáng 28.9, các đại biểu sẽ tham gia khai mạc Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em. Chiều cùng ngày sẽ diễn ra Phiên thảo luận tổ (ở 12 tổ), tại Tòa nhà Quốc hội với 2 chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”. Ngày 29.9 sẽ diễn ra phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội. Phiên làm việc này dự kiến có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa hy vọng, tiếng nói của các em tại phiên họp giả định lần này sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn cho sự tham vấn của trẻ em đối với các vấn đề quyền của trẻ em mà Quốc hội đang quan tâm.
Chia sẻ về ý nghĩa của Phiên họp, Bí Thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, Phiên họp là hoạt động nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023 - 2027”.
Thông qua phiên họp này nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Qua đó, giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội.
Tại Phiên chất vấn, các đại biểu được đóng vai đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ. Trong Phiên họp, các ý kiến phát biểu đóng góp của các "đại biểu Quốc hội trẻ em" sẽ phản ánh những ý kiến, mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương. Cùng với đó, các "đại biểu Quốc hội trẻ em" giả định tham gia Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác phòng, chống bạo lực học đường, phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường để làm rõ các vấn đề được cử tri trẻ em cả nước quan tâm.
Qua Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em", một lần nữa tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Được chuẩn bị kỹ càng, công phu
Theo Ban Tổ chức, Phiên họp năm nay các nhóm vấn đề được lựa chọn mang tính thực tiễn cao, với mục tiêu cuối cùng là tạo sự đồng thuận trong xã hội và giúp trẻ em có cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Khác với Phiên họp trước, ngoài sự tương tác, thảo luận trao đổi giữa đại biểu và các lãnh đạo các bộ giả định là các em thiếu nhi thì năm nay kết thúc mỗi phần chất vấn đối với từng nhóm chủ đề sẽ có phần trả lời của các Bộ trưởng đương nhiệm gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
Chia sẻ về, công tác chuẩn bị tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2, Trưởng ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương Lê Hải Long cho biết, dự kiến sẽ có 14 câu hỏi chất vấn tại Phiên họp. Các em sẽ được hướng dẫn làm quen với môi trường nghị trường, từ cách đi lại, phát biểu đến cách bấm nút biểu quyết sao cho giống một đại biểu Quốc hội thực thụ.
Đối với công tác soạn thảo Nghị quyết cho Phiên họp, Ban Tổ chức tổng hợp ý kiến từ 4 nguồn khác nhau. Thứ nhất, tổng hợp từ hơn 251.000 phiếu khảo sát trẻ em trên cả nước về hai chủ đề chính. Thứ hai, thu thập ý kiến từ các cán bộ Đoàn, người phụ trách Đội và phụ huynh học sinh. Thứ ba, ý kiến đóng góp từ 306 đại biểu trẻ em tham gia Phiên họp và cuối cùng, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia và đại diện các bộ, ngành liên quan và được trình Trung ương Đoàn để đưa vào Nghị quyết.
Kết thúc phiên toàn thể, các em sẽ thông qua Nghị quyết của Phiên họp. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của "cử tri đặc biệt" đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Bày tỏ vinh dự và háo hức khi được dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần này, em Nguyễn Thủy Tiên, Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Trị chia sẻ, để chuẩn bị cho phiên họp giả định này chúng em không chỉ lấy ý kiến của trẻ em trong toàn tỉnh mà còn có buổi gặp gỡ với các lãnh đạo tỉnh nhằm đưa ra giải pháp phù hợp. Đến với Phiên họp giả định em mong muốn gia đình, nhà trường, xã hội sẽ lắng nghe trẻ em hơn thấu hiểu trẻ em, để chung tay đẩy lùi bạo lực học đường, thuốc lá và các chất kích thích.
Vinh dự được tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần này, em Phan Bảo Ngọc (lớp 6GNew, Trường THCS và THPT Newton, TP. Hà Nội) chia sẻ, để có thể thực hiện tốt vai trò của mình tại Phiên họp lần này em đã tìm hiểu thông tin từ các luật và bộ luật hiện hành, trong đó có Luật Trẻ em năm 2016. Ngoài ra, em cũng chuẩn bị, lắng nghe rất nhiều ý kiến cũng như giải pháp về hai chủ đề của Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" năm nay là “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”. Chúng em mong rằng, tiếng nói của mình tại Phiên họp giả định lần này sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực học đường và nâng cao hiệu quả việc phòng, chống tác hại của sử dụng thuốc lá, chất kích thích trong học đường. Em cũng mong rằng, những tâm tư, nguyện vọng của chúng em tại Phiên họp lần này sẽ được lắng nghe và là cơ sở để các cơ quan tham vấn trong trong quá trình hoạch định các chính sách liên quan đến trẻ em.