Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và MN:

Xây dựng kế hoạch vận động viện trợ mang tính chiến lược, lâu dài

- Thứ Hai, 28/11/2022, 06:27 - Chia sẻ

Tại Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng kế hoạch vận động, viện trợ cho các chương trình, dự án mang tính chiến lược, lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ các địa bàn miền núi cải thiện hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, tăng sinh kế, cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường.

Những người bạn đồng hành tin cậy

Tại Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi là Chương trình), thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã kêu gọi sự tham gia của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế để bổ sung nguồn lực triển khai Chương trình kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, việc kêu gọi bổ sung nguồn lực cho Chương trình cũng nhằm thực hiện Khoản 4, Điều 2, Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19.6.2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình, Quốc hội giao Chính phủ: “Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục rà soát, cân đối, bố trí ngân sách trung ương bổ sung cho Chương trình theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng chính sách và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình”.

Trước đó, căn cứ chủ trương của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số Bộ, cơ quan Trung ương đã làm việc với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Khung hành động chính sách và một số nội dung của khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu liên xã, phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại 17,5 triệu USD từ Quỹ Đối tác Giáo dục toàn cầu (GPE) và khoản vay tối thiểu 150 triệu USD từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Ngày 25.2.2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 277/QĐ-TTg về việc ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình.

Bên cạnh đó, các hoạt động huy động nguồn lực bổ sung từ các nhà tài trợ, đối tác phát triển cho Chương trình đang được tổ chức thực hiện như: hoàn thiện tiếp nhận chuyển phát 2.000 điện thoại thông minh cho người có uy tín từ Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ phục vụ chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện Chương trình; tổ chức triển khai dự án Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình bằng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nói, các chương trình, dự án hỗ trợ bằng nguồn vốn nước ngoài tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi là nguồn lực bổ sung quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương thời gian qua. Các dự án đã góp phần phát triển sinh kế bền vững, cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, các đối tác phát triển, các doanh nghiệp luôn là những đối tác, những người bạn đồng hành tin cậy của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc giảm nghèo và hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam nói chung và khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Các đại biểu đồng chủ trì Hội thảo - Hoàng Ngọc
Các đại biểu đồng chủ trì Hội thảo
Ảnh:  Hoàng Ngọc

Tăng thành tố ưu đãi cho các chương trình, dự án

Nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hút đầu tư thực hiện Chương trình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết thêm: “Chương trình cần thu hút vốn ODA tập trung cho hạ tầng cơ bản, nhất là giao thông, điện, nước, viễn thông giúp đẩy mạnh năng lực sản xuất, phát huy lợi thế và nâng cao điều kiện cuộc sống của người dân, bên cạnh việc hỗ trợ đồng bào nâng cao hiểu biết, cải thiện kỹ năng, trình độ lao động, giải quyết các vấn đề về môi trường, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường vận động, thu hút viện trợ không hoàn lại từ các Quỹ toàn cầu, các tổ chức phát triển quốc tế để tăng thành tố ưu đãi cho các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài cho cơ sở hạ tầng và bổ sung nguồn lực cho các chương trình, dự án giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng và giải quyết các vấn đề môi trường văn hóa, xã hội…”

Tuy nhiên, có một thực tế được các đại biểu tham dự Hội thảo chỉ ra là, số lượng dự án ODA, vốn vay ưu đãi hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hiện tại các nhà tài trợ đã chuyển dần phương thức hỗ trợ từ nguồn vốn ODA không hoàn lại sang nguồn vốn vay ưu đãi. Việc tham gia các dự án ODA phải bảo đảm tỷ lệ vay lại, khả năng trả nợ của địa phương, vì vậy, cơ hội tiếp cận các dự án ODA vay của nhóm địa phương có số thu ngân sách thấp, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều khó khăn.

Đáng lưu ý, công tác khảo sát, đề xuất dự án chưa bám sát với điều kiện thực tiễn của địa phương. Các dự án ODA, vốn vay ưu đãi có quy trình vận động tài trợ phức tạp, qua nhiều lần khảo sát, tham vấn từ nhà tài trợ và trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành nên thời gian vận động thành công của một dự án kéo dài từ 2 - 4 năm, thậm chí có những dự án 5 năm mới ký được Hiệp định. Mỗi nhà tài trợ lại có quy trình, thủ tục riêng, nhiều khác biệt so với quy trình thủ tục trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực đấu thầu, chính sách về an sinh xã hội… dẫn đến phải trình duyệt cả hai phía, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, giải ngân kéo dài làm hạn chế việc triển khai nhanh các dự án, công trình.

Trước thực tế trên, các địa phương đề nghị Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành tăng cường hơn nữa trao đổi và cung cấp thông tin cho các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, các tổ chức phi Chính phủ về nhu cầu thu hút vốn đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Cung cấp cho địa phương thông tin về các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, các tổ chức phi Chính phủ để các tỉnh chủ động trong công tác vận động, kêu gọi đầu tư cũng như quản lý các dự án do các tổ chức tài trợ thực hiện trên địa bàn. Giới thiệu, cho phép các tỉnh tiếp cận các nhà tài trợ có các lĩnh vực phù hợp, lãi suất, điều kiện vay ưu đãi nhất để xây dựng các đề xuất dự án có chất lượng trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Chính phủ cần khẩn trương xây dựng kế hoạch vận động viện trợ cho các chương trình, dự án mang tính chiến lược, lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ các địa bàn miền núi cải thiện hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, tăng sinh kế, cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường…

Các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ cần bổ sung chính sách ưu đãi để thu hút đa dạng hơn nữa các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là Chương trình lớn nhất, bao quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn, các tổ chức, nhà tài trợ trong nước và quốc tế quan tâm hơn nữa tới Chương trình này, nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam. 

Anh Thảo