Vận dụng cơ chế đột phá, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Sáu, 15/03/2024, 09:26 - Chia sẻ

Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã góp phần giúp người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế của các địa phương tăng trưởng phục hồi và phát triển. Đồng thời, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các chính sách về đầu tư phát triển đã góp phần đẩy nhanh việc triển khai các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ.

Vận dụng cơ chế đột phá, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát kiểm tra tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Đây là nhận định chung gửi đến Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” khi làm việc, khảo sát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vận dụng cơ chế đột phá, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội -0
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi: Giải quyết các tác động của suy giảm kinh tế

Nghị quyết 43/2022/QH15 ra đời không chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến tác động của dịch Covid-19, mà còn giải quyết các tác động của suy giảm kinh tế thế giới, các vấn đề nội tại thuộc động lực tăng trưởng của từng địa phương. Thành phố đã cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 ước đạt 9,03%; năm 2023 ước đạt 5,81%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, phần chính sách thiết kế mới chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt, vi mô, chưa giải quyết được các vấn đề vĩ mô. Trong điều kiện kinh tế thế giới đang phục hồi, cần tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi kinh tế toàn cầu. Đồng thời, cần có chính sách chiến lược quốc gia có tính lan tỏa cao, trong đó không chỉ là chính sách về tài chính - kinh tế mà cả trên lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Về Nghị quyết 57/2022/QH15, TP. Hồ Chí Minh thực hiện rất thành công. Nghị quyết này là cách tiếp cận giải quyết đặc thù các vấn đề lớn, đã rút ngắn được thời gian, huy động lực lượng tham gia thực hiện dự án đường Vành đai 3. Cụ thể, tháng 6.2022, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, sau đó Chính phủ có Nghị quyết riêng để triển khai. Đến tháng 6.2023, Thành phố khởi công dự án. Cơ chế chỉ định thầu các gói thầu tư vấn đã giúp dự án sớm khởi công. Do đó, nên mạnh dạn có thêm các cơ chế, chính sách như Nghị quyết 57/2022/QH15 của Quốc hội để đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng của đất nước.

Vận dụng cơ chế đột phá, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội -0
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức: Quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội

Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ra đời trong hoàn cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội. Thực hiện Nghị quyết, thời gian qua, Đồng Nai đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay cho hàng chục nghìn khách hàng với tổng giá trị nợ lũy kế gần 12.300 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất 2% đối với khoản vay của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cho vay lãi suất ưu đãi với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 gặp một số khó khăn, vướng mắc, như việc triển khai các chương trình tín dụng còn hạn chế. Nguyên nhân do nhiều khách hàng có tâm lý e ngại việc thanh, kiểm tra, kiểm toán mất thời gian, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra để nhận hỗ trợ. Đối với chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở, các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để tiếp cận, thẩm định dự án do trước đây địa phương chưa phê duyệt danh mục dự án. Phía khách hàng mua nhà, do tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập giảm nên việc mua nhà chưa phải là nhu cầu ưu tiên trong thời điểm hiện tại.

Thời gian qua, Đồng Nai gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm quốc gia. Tỉnh cùng lúc triển khai các dự án lớn, thiếu nhân lực; nhiều trường hợp hồ sơ đất đai phức tạp. Với dự án sân bay Long Thành, hiện tỉnh đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha đất thuộc phạm vi dự án.  Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới bàn giao được khoảng 20% mặt bằng, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh bàn giao khoảng 6% mặt bằng. So với các địa phương khác, tiến độ thực hiện của Đồng Nai có chậm hơn. Hiện tỉnh đã triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi kinh tế - xã hội và chính sách tài khoá, tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15; tăng cường công tác phối hợp giữa địa phương với các bộ, ngành để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhất vấn đề tiếp cận vốn. Triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực cho các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Vận dụng cơ chế đột phá, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội -0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh: Thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù

Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã góp phần giúp khắc phục khó khăn, khôi phục và dần mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển. Trong đó, kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đến tháng 11.2023 là hơn 4.100 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn gần 1.470 tỷ đồng; giảm phí, lệ phí gần 11 tỷ đồng; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.660 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gần 46 tỷ đồng. Đến ngày 31.12.2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội gần 4.300 tỷ đồng, với hơn 78.600 khách hàng, tăng hơn 520 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 13,9% so với đầu năm.

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên, người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 thấp hơn các năm trước do cầu tín dụng và khả năng hấp thụ vốn giảm.

Nhờ chính sách đặc thù về đầu tư phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu có 1 dự án được bố trí vốn ngân sách Trung ương là Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Tỉnh đã nỗ lực và thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù mà Nghị quyết của Quốc hội cho phép: như phân cấp cho UBND tỉnh làm chủ đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh; được chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu…

Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đã rút ngắn khoảng 94 ngày so với hình thức đấu thầu rộng rãi, bảo đảm tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu theo quy định. Tổng diện tích các hộ dân đã ký biên bản bàn giao mặt bằng sau khi nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ đạt hơn 99%. Dự kiến, dự án sẽ về đích trước 3 tháng. Kinh nghiệm của tỉnh trong thực hiện các dự án trọng điểm, đó là đặc biệt chú trọng công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác bồi thường, bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống, tạo sự đồng thuận của người dân.

Nhật Trường