Dư âm Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV

Ưu tiên cao nhất bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật

- Thứ Sáu, 18/11/2022, 06:22 - Chia sẻ

Đánh giá thành công của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, điểm sáng của kỳ họp là công tác lập pháp. Các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua đều có chất lượng cao. Quốc hội thận trọng, cầu thị trong quá trình lập pháp với ưu tiên cao nhất là chất lượng ban hành pháp luật.

ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh): Phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết

Ưu tiên cao nhất bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật -0

Với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện, Quốc hội ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân. Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh nội dung chương trình kỳ họp, bổ sung thêm nội dung, thời gian họp được rút ngắn hơn so với các kỳ họp cuối năm trước nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, thông suốt, hiệu quả trong điều hành và đạt sự đồng thuận, thống nhất cao trong các quyết sách. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch chủ động, linh hoạt, sáng tạo, duy trì không khí nghị trường dân chủ, sôi nổi trong các ngày làm việc. Các đại biểu Quốc hội đã có cơ hội tối đa phát biểu ý kiến; phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, góp phần làm nên thành công của kỳ họp.

Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung khó, mang tính chuyên môn sâu. Các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp này đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm. Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đều bảo đảm chất lượng tốt. Đơn cử, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được các đại biểu Quốc hội đánh giá là Luật mang tính chuyên sâu về kỹ thuật, phức tạp về chuyên môn. Trước yêu cầu thực tiễn nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, giải quyết các điểm nghẽn trong phương thức cấp phép băng tần, kênh tần số, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và phát triển hạ tầng viễn thông, Quốc hội đã thông qua Luật này với tỷ lệ tán thành cao.

Hay Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, được Quốc hội thông qua nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối của Đảng liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định; đồng thời, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh, Nghị định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điểm đáng chú ý trong quá trình xây dựng luật này, do còn có ý kiến khác nhau về nội dung “điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động”, để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về các phương án. Việc Luật quy định doanh nghiệp tư nhân được quyền lựa chọn thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp của mình đã bảo đảm sự thận trọng, không làm xáo trộn, tạo thêm gánh nặng về trách nhiệm, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh.

Đối với 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó, riêng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận hết sức kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt. Qua phiên thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội đề xuất chưa nên thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ Tư mà nên lùi sang kỳ họp sau nhằm tiếp tục hoàn thiện một số nội dung dự thảo Luật. Tiếp thu các ý kiến này, Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại Kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn bảo đảm thời gian luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024. Đây là quyết định rất đúng đắn, bởi đây là dự án luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh và trực tiếp là sức khỏe của nhân dân. Chúng ta "lùi một bước để tiến hai bước", với quyết tâm và mong muốn bảo đảm chất lượng cao nhất của dự thảo Luật trước khi được Quốc hội thông qua.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh): Nhiều vấn đề thời sự nóng hổi được phản ánh trên nghị trường

Ưu tiên cao nhất bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật -0

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành khá nhiều thời gian cho công tác lập pháp. Các dự án Luật được Quốc hội thảo luận rất kỹ lưỡng, nhất là với những dự án Luật được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Tôi rất đồng tình với việc Quốc hội quyết định chưa xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện. Việc lùi thời điểm thông qua dự án Luật cho thấy Quốc hội rất cẩn trọng, kỹ lưỡng trong công tác xây dựng pháp luật. Không phải dự án Luật nào trình ra Quốc hội cũng được thông qua theo quy trình. Đối với những dự án luật mà Quốc hội thấy chưa đủ điều kiện chín muồi để thông qua thì Quốc hội sẵn sàng để lại, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện đến khi bảo đảm đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu thì mới thông qua. Ưu tiên cao nhất vẫn phải là chất lượng ban hành pháp luật, để Luật sau khi được Quốc hội thông qua đáp ứng các yêu cầu đặt ra, tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn và đi vào cuộc sống.

Bên cạnh việc tập trung thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác như việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, công tác giám sát, công tác nhân sự… Tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề thời sự nóng hổi đã được các đại biểu Quốc hội phản ánh trên nghị trường như: tình trạng thiếu xăng dầu, giá xăng dầu tăng, thiếu thuốc và các vật tư, trang thiết bị y tế, chế độ đãi ngộ, tiền lương đối với công chức, viên chức… Đây là những vấn đề mà cử tri rất quan tâm, lo lắng. Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng để những chỉ đạo này đi vào cuộc sống, thực sự tạo chuyển biến trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội phản ánh mới là vấn đề đại biểu quan tâm. Tôi mong rằng, các kỳ họp của Quốc hội sẽ luôn phát huy tinh thần này, tiếp tục cho thấy một Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, với cử tri và nhân dân cả nước. Nghị quyết về Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV đã nêu các nhiệm vụ trọng tâm để Chính phủ, các bộ, ngành địa phương tập trung giải quyết, tháo gỡ trong thời gian tới. Mặc dù việc tổ chức triển khai nghị quyết có thể chưa giải quyết được 100% bức xúc của nhân dân nhưng cử tri cũng ghi nhận việc Quốc hội và Chính phủ đã lắng nghe và có phản hồi trước những vấn đề mà cử tri và nhân dân kỳ vọng, mong đợi.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông): Thận trọng trước những thách thức khó lường

Ưu tiên cao nhất bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật -0

Kỳ họp thứ Tư diễn ra trong bối cảnh đất nước ta cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành quả tích cực, tạo không khí phấn chấn, tin tưởng trong cử tri, nhân dân cả nước. “Thành công kép” - vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - là thành quả chung từ sự nỗ lực, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đóng góp vào thành quả chung đó là sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong việc kịp thời đưa ra các quyết sách quan trọng, cấp bách nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội cũng rất thận trọng trước dự báo tình hình còn tiềm ẩn nhiều thách thức khó lường. Vì vậy, trong nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đã nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ… Tôi đánh giá cao nội dung này và hy vọng rằng, cùng sự đồng hành không mệt mỏi của Quốc hội, sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương cùng sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Tôi cũng đánh giá rất cao các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp này trong việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết tại các hội nghị, hội thảo. Từ công tác chuẩn bị, xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết đến quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết đều hết sức công phu, kỹ lưỡng, thận trọng, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đều bảo đảm chất lượng tốt. Đây cũng là cơ sở để quá trình tổ chức, triển khai các luật, nghị quyết trong thời gian tới dễ dàng hơn, để các luật, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Nhật An ghi