HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5, KHÓA XIII

Tổ chức nền sản xuất nông nghiệp trong bài toán “tam nông”

- Thứ Ba, 10/05/2022, 06:53 - Chia sẻ

TS.TRẦN DU LỊCH

Những bất cập trong quá trình công nghiệp hóa nền sản xuất nông nghiệp của nước ta có lẽ không phải khó khăn về công nghệ mà chính là mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong mô hình tổ chức sản xuất, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế hợp tác và hợp tác xã (HTX) kiểu mới.

Hợp tác xã kiểu mới nhưng chính sách tạo động lực chưa mới

Cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta, Luật Hợp tác xã đầu tiên được ban hành năm 1995. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, Luật Hợp tác xã hiện hành (năm 2012) với 9 nguyên tắc tổ chức, hoạt động (Điều 7) đã tiếp cận tương đối đầy đủ những nguyên tắc cơ bản và phổ biến của mô hình tổ chức và hoạt động HTX trên thế giới. Tổ chức và hoạt động của HTX theo Luật hiện hành được gọi là HTX kiểu mới. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện việc chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu cũ sang kiểu mới và việc thành lập HTX kiểu mới vẫn còn khá chậm so với yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế.

Mô hình HTX kiểu mới có nhiều nội dung khác biệt, nổi trội phù hợp với đặc điểm của cơ chế thị trường so với mô hình HTX kiểu cũ, trong đó có 2 điểm rất quan trọng khả dĩ tạo động lực cho sự phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp cần được phát huy. Một là, doanh nghiệp và hộ nông dân cùng tham gia HTX. Hai là, sức mạnh của HTX gắn liền với kinh tế hộ trong nông nghiệp.

Theo tôi đây là 2 nội dung đáp ứng yêu cầu giải quyết những bất cập của “kinh tế hộ” tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và không đối lập giữa mô hình HTX (loại hình kinh tế tập thể) với kinh tế hộ (loại hình kinh tế cá thể) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Qua thực tiễn những HTX thành công cho thấy, một trong những nguyên nhân là trong các thành viên của nó phải có “con sếu đầu đàn”. Tìm người người quản trị HTX khó hơn tìm người quản trị công ty. Tố chất cần thiết đối với người quản trị công ty là có “đầu óc kinh doanh”; còn người quản trị HTX ngoài tố chất trên còn phải có tố chất “trái tim vì cộng đồng”. Theo tôi nguyên nhân chủ yếu của những HTX yếu kém ở nước ta là tập hợp những thành viên chỉ có tố chất thứ 2 hoặc thậmchí không có tố chất nào cả trong 2 loại trên.

Tổ chức nền sản xuất nông nghiệp trong bài toán “tam nông” -0
Sức mạnh của HTX gắn liền với kinh tế hộ trong nông nghiệp. Nguồn: ITN

Qua tìm hiểu thực tế những HTX thành công trong các lĩnh vực như chăn nuôi; sản xuất rau sạch; nuôi trồng thủy sản… đều do người quản trị có được 2 tố chất nêu trên. Thật đáng quý đối với những thanh niên được đào tạo bài bản, có kiến thức về khoa học kỹ thuật tự nguyện về nông thôn tập hợp nông dân xây dựng HTX nông nghiệp, vượt qua khó khăn ban đầu để phát triển, không chỉ mang lại lợi ích vật chất cho họ, mà lớn hơn là thỏa mãn ước mơ phục vụ cho cộng đồng. Chính sách của chúng ta dường như chưa tìm đến những đối tượng này? Luật Hợp tác xã mới thay khái niệm “chủ nhiệm” thành “giám đốc, tổng giám đốc” có hàm ý hướng đến mục tiêu quản trị kinh doanh HTX tiếp cận với cách quản trị doanh nghiệp; đồng thời mở đường cho doanh nghiệp tham gia HTX và làm nòng cốt trong quản trị HTX. Vấn đề ở đây là giải quyếtmối quan hệ giữa lợi ích chung của HTX và lợi ích của doanh nghiệp thành viên nhằm phát huy ưu điểm của tính kinh doanh và tính cộng đồng trong một HTX. Chính sách hiện nay chưa đi đến những mục tiêu cụ thể này. Chính sách chưa tạo động lực để phát huy tính tích cực của các nhân tố mô hình HTX kiểu mới.

Giải quyết vấn đề “hạn điền”; “tích tụ, tập trung ruộng đất” trong khuôn khổ Hiến pháp năm 2013 nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp cần gắn với việc phát triển mô hình HTX kiểu mới.

Dưới tác động của quan hệ thị trường, nhất là hội nhập với thị trường thế giới, mô hình “kinh tế hộ”, sản xuất quy mô nhỏ theo giới hạn của “hạn điền” đã bộc lộ những hạn chế rất cơ bản, ngày càng gay gắt của mô hình tổ chức sản xuất này. Tình trạng “được mùa mất giá”, nông dân chặt cây nọ trồng cây kia… luôn luôn tái diễn. Nền sản xuất nông nghiệp luôn luôn chịu 2 loại rủi ro: về điều kiện tự nhiên như thiên tai, thời tiết, dịch bệnh và về thị trường như giá cả, tỷ giá… Đặc biệt, ngày nay để có thể cạnh tranh nông sản phải được kiểm soát theo chuỗi giá trị từ khâu tạo giống cho đến sản phẩm cuối cùng đưa ra thị trường. Phần đông trong số hơn 8,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp của nước ta hoàn toàn bất cập với các điều kiện này, nếu phần lớn trong số họ không liên kết, hợp tác theo mô hình HTX kiểu mới.

Luật Đất đai năm 2013 đã mở rộng hạn điền loại đất được “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất” (tức là đất người dân tự chuyển nhượng, mà tự thông dụng gọi là mua, chứ không phải do Nhà nước giao từ đất công) với quy mô gấp 10 lần diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao (Điều 130 Luật Đất đai) đã khá tiến bộ so với trước đây, nhưng vẫn còn rất hạn chế đối với một nền nông nghiệp sản xuất lớn, mà hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình ở nước ta. Vấn đề “hạn điền” tiếp tục là nút thắt đối với quá trình tích tụ và tập trung đất sản xuất nông nghiệp theo quy mô phù hợp. Để gỡ nút thắt “hạn điền” thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo quy mô sản xuất tối ưu, thì trước hết cần gỡ một nút thắt khác mang tính quan điểm về sử dụng đất: nguồn lực đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp phải được phân bố cho người sử dụng có hiệu quả.

Tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất là 2 vấn đề khác nhau nên cần có chính sách khác nhau. Tích tụ gắn với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Còn tập trung là gắn kết những mảnh ruộng đất của những người khác nhau vào mục tiêu khai thác có hiệu quả. Việc tập trung ruộng đất diễn ra khá phổ biến ở nước ta như quá trình “dồn điền, đổi thửa” để có quy mô canh tác thích hợp; mô hình HTX, mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình thuê đất của nông dân, thậm chí đã xuất hiện mô hình chính quyền trung gian thuê đất của nông dân cho doanh nghiệp thuê lại… Nhìn chung các mô hình tập trung này, người nông dân vẫn còn quyền sử dụng ruộng đất. Nói nôm na là không “mất đất”, vừa giải quyết được yếu tố tâm lý “sở hữu đất” của nông dân, vừa có lợi tức cho thuê để yên tâm hơn khi lớn tuổi.

Tập trung ruộng đất theo mô hình HTX của những hộ nông dân cá thể hoặc của chủ các trang trại vẫn là mô hình nhân bản nhất và tiến bộ nhất, mà nhiều nước trên thế giới thực hiện khá thành công. Mô hình chủ trang trại thuê đất của nông dân để mở rộng diện tích cũng khá phổ biến ở nhiều nước, mà ở đó có thể người nông dân làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Nếu đứng trên quan điểm ưu tiên cho người sử dụng đất có hiệu quả nhất, thì thay vì quy định hạn điền thì quy định cấm “tích tụ ruộng đất đểcho thuê lại” hoặc đánh thuế nặng những trường hợp này và để cho thị trường điều tiết. Đây mới chính là vấn đề Nhà nước cần quan tâm chứ không phải “hạn điền”.

Nhà nước chỉ tập trung chính sách khuyến khích mô hình HTX và các trang trại, doanh nghiệp thuê đất của nông dân. Ví dụ, nếu một trang trại tích tụ đất để canh tác thì chịu thuế nông nghiệp, nhưng nếu thuê đất của nông dân để canh tác thì được miễn, giảm thuế; đồng thời có những chính sách khác như bảo hiểm xã hội cho nông dân…

Mặt khác, vấn đề lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta là chuyển bộ phận lớn lao động trong nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp, chuyển một bộ phận nông dân thành thị dân một cách có kế hoạch, chứ không phải tự phát như hiện nay. Những vấn đề này liên quan đến các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các “cứ điểm nông - công nghiệp” (agroindustrial cluster) ở nông thôn; đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; các chính sách an sinh xã hội cho địa bàn nông thôn, để thực sự người nông dân là trung tâm của chính sách.

Tích tụ ruộng đất là quá trình tự nhiên, theo nguyên tắc phân bố nguồn lực cho người sử dụng hiệu quả nhất. Quản lý nhà nước là chống tích tụ ruộng đất để trở thành “địa chủ”, đầu cơ đất đai trong quá trình đô thị hóa. Chính sách Nhà nước là hướng vào các hình thức tập trung ruộng đất có quy mô phù hợp với loại hình sản xuất, trong đó ưu tiên hình thức HTX và doanh nghiệp thuê đất của nông dân. Một khi nút thắt này được gỡ, sẽ tác động gỡ những điểm nghẽn về: hấp thụ công nghệ mới, vốn tín dụng, xây dựng chuỗi giá trị nông sản…

HTX nông nghiệp hình thành trên cơ sở sở hữu tư nhân kinh tế hộ và các trang trại tư nhân có quy mô phù hợp là 2 mô hình chủ đạo của nền kinh tế nông nghiệp. Chính sách của Nhà nước cần tập trung cho sự phát triển của 2 loại hình này.

Phát huy mô hình: HTX = hộ nông dân + doanh nghiệp

Như đã trình bày bên trên, HTX kiểu mới tạo điều kiện pháp lý để doanh nghiệp làm thành viên HTX và HTX được thành lập doanh nghiệp để kinh doanh. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp chế biến nông sản và doanh nghiệp thương mại trong lĩnh vực nông sản tham gia làm nòng cốt cho HTX?

HTX theo mô hình này có 3 chủ thể: hộ nông dân cá thể (nông hộ) là thành viên HTX; tổ chức HTX và doanh nghiệp thành viên HTX. Sự phân công lao động và liên kết trong cả chuỗi gia trị từ khâu sản xuất chế biến, tiêu thụ với vai trò của từng chủ thể theo đặc điểm của từng lĩnh vực sản xuất thông qua mối quan hệ lợi ích. Vấn đề là Nhà nước sử dụng chính sách tác động vào quá trình trên như thế nào để hình thành mối quan hệ trên.

Theo Điều 6 Luật Hợp tác xã, bên cạnh 6 nhóm chính sách hỗ trợ, đối với HTX nông nghiệp còn có 7 nhóm chính sách ưu đãi, trong có sự ưu đãivề đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi về các loại thuế, về tín dụng, chế biến sản phẩm… Tuy nhiên, trên thực tế chính sách hỗ trợ và ưu đãi thiếu đồng bộ mục tiêu nên ít tác dụng. Ví dụ một doanh nghiệp tham gia HTX để xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp do chính HTX đó sản xuất ra thì các chính sách về thuế và tín dụng có gì khác so với các trường hợp khác?

Tôi cho rằng để phát triển mô hình HTX = hộ nông dân + doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống chính sách bao gồm cả các nội dung theo Điều 6 Luật Hợp tác xã áp dụng cho doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại tiêu thụ sản phẩm do chính HTX làm ra. Ở đây 2 công cụ thuế và tín dụng có ý nghĩa nhất.

Liên kết công - nông qua mô hình: HTX + Doanh nghiệp = doanh nghiệp

Trong Luật Hợp tác xã có quy định trường hợp HTX lập doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây cũng là mô hình cần được khuyến khích. Nhưng để tạo sự liên kết công - nông nghiệp một cách bền vững cần có chính sách khuyến khích hình thành mô hình HTX liên doanh với doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến để xây dựng nhà máy chế biến chính sản phẩm của HTX. Ví dụ mô hình liên doanh giữa HTX nuôi bò sữa ở Nhật Bản với Tập đoàn sữa Meiji xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm của Meiji thay vì nhà máy mua nguyên liệu sữa của HTX. Trong các ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi của nước ta rất có điều kiện để phát triển mô hình này, nếu có chính sách tác động tích cực.

Có thể thấy, những tồn tại trong quá trình tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta thường được tiếp cận ở các hiện tượng như: không tiếp cận được vốn, thị trường, công nghệ… nhưng thực ra nguyên nhân thuộc về bản chất là phương thức tổ chức nền sản xuất không cho phép hấp thụ vốn, công nghệ và tiếp cận thị trường. Đây là gốc của vấn đề.

Chú thích ảnh
Một nền nông nghiệp hiệu quả phải bắt đầu tư công nghiệp chế biến và chỉ có thể liên kết các hộ nông dân cá thể cùng hoạt động trong một HTX, nếu có vai trò hạt nhân của doanh nghiệp. Nguồn ITN

Mô hình kinh tế hộ sản xuất nhỏ hoàn toàn bất cập; nhưng mô hình này sẽ phát huy tác dụng nếu được liên kết hoạt động trong mô hình HTX kiểu mới.

Do đó, cần phân vai của 3 chủ thể trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp: HTX của các hộ nông dân cá thể; trang trại có quy mô phù hợp và doanh nghiệp. Một nền nông nghiệp hiệu quả phải bắt đầu tư công nghiệp chế biến và chỉ có thể liên kết các hộ nông dân cá thể cùng hoạt động trong một HTX, nếu có vai trò hạt nhân của doanh nghiệp.

Trên thực tế hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình này ở nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhưng sự bất cập lại ở chỗ thiếu sự đồng bộ của chính sách.