Dư âm Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV

Tin tưởng những kết quả từ nghị trường sớm đi vào cuộc sống

- Chủ Nhật, 03/12/2023, 07:44 - Chia sẻ

ThS. Nguyễn Vân Hậu

Dư luận cử tri và nhân dân đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV sau khi đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Chỉ trong hơn 3 tuần làm việc, khối lượng công việc các ĐBQH và các cơ quan giúp việc phải đảm nhận rất lớn.

Với phương châm dân chủ, chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ngay từ đầu nhiệm kỳ, cử tri, nhân dân kỳ vọng, tin tưởng những kết quả từ nghị trường Quốc hội sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Minh chứng cho những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 8 nghị quyết quy phạm pháp luật. Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do tính chất quan trọng, cần cân nhắc thận trọng nhiều mặt, đánh giá lại tổng quan mối quan hệ với các luật liên quan khác, Quốc hội quyết định sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhấtQuốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Đây là những sáng kiến lập pháp quan trọng được Quốc hội thông qua thành luật, hoặc tiếp tục xem xét thể chế hóa quan điểm và mục tiêu cụ thể của Đảng đến năm 2030 về xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới. Trong đó, phải xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán. Đồng thời, pháp luật phải thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, “Pháp luật là phép của dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã đánh giá tích cực và có nhiều điểm sáng đối với tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2023. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế dần được phục hồi theo hướng ngày một tích cực hơn, dự báo cả năm 2023, GDP tăng trên 5% và hoàn thành ít nhất 10/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm, phát triển. Đó là minh chứng cho những quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân của Quốc hội; đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, có chiều sâu, là “đường băng” cất cánh cho nền kinh tế nước nhà sau đại dịch Covid-19 cho đến nay.

Hiệu quả và những lợi ích có thể cảm nhận, hưởng lợi trong các chính sách kinh tế, an sinh xã hội và các chính sách vĩ mô khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ... đã làm cho cử tri, nhân dân càng ngày càng tin tưởng, quan tâm, theo dõi sát sao hơn các kỳ họp của Quốc hội, các hoạt động của từng ĐBQH trên nghị trường. Cũng từ đó, cử tri và nhân dân đặt niềm tin vào tầm nhìn cũng như cách thức quản trị quốc gia của Quốc hội, Chính phủ thông qua các hoạt động thực thi quyền lực người dân, nhất là trong việc quản lý, phát triển nguồn lực kinh tế và xã hội, bằng các chính sách kinh tế, tài khóa, tiền tệ thông minh đang áp dụng.

Kỳ vọng hiệu quả giám sát quyền lực và trách nhiệm giải trình

Cử tri và nhân dân đồng tình với kết quả giám sát tối cao các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện trách nhiệm giải trình trước nhân dân, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời đầy đủ, sát thực tiễn những vấn đề được chất vấn trên 21 lĩnh vực thuộc 4 nhóm nội dung: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội.

Tuy vậy, có thể do thời gian hạn hẹp, dư luận cho rằng, một số nội dung chất vấn trả lời còn chung chung, nhất là trong lĩnh vực văn hóa (phim ảnh liên quan đến văn hóa lịch sử, hồn cốt dân tộc), giáo dục - đào tạo (sách giáo khoa, học phí, tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên), tài chính (bảo hiểm xe máy)... Cử tri và nhân dân tin rằng, thông qua các phương tiện truyền thông, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện trách nhiệm giải trình trước nhân dân đầy đủ, đúng pháp luật các vấn đề người dân quan tâm; đồng thời, phải có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời định hướng dư luận khi có nhiều ý kiến trái chiều. Qua đó, góp phần tuyên truyền, phản bác các luận điệu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, gây bất ổn xã hội và sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.

Cử tri và nhân dân mong rằng, Quốc hội và từng ĐBQH phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dân cử địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tuân thủ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là về thời hạn giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tránh tình trạng để vụ việc kéo dài hoặc rơi vào im lặng, dư luận hoài nghi, làm xói mòn lòng tin vào công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay.

Nhân dân kỳ vọng, tin tưởng những kết quả từ nghị trường Quốc hội sẽ sớm đi vào cuộc sống.

#