Ý kiến cử tri

Thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người

- Thứ Tư, 26/10/2022, 08:52 - Chia sẻ

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, cử tri và Nhân dân đánh giá cao chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu tại phiên họp tổ sáng 22.10 - Ảnh: CTV
ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu tại phiên họp tổ sáng 22.10. Ảnh: CTV

Cụ thể, cử tri và Nhân dân đánh giá hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Tại Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22.5.2022 về phân bổ 92.057.861 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội đã quyết định phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 47.057,816 tỷ đồng. Đối với 34.049 tỷ đồng ngân sách Trung ương, Quốc hội đã phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi số tiền 14.429 tỷ đồng, bao gồm 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và  5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp.

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc; quan tâm, triển khai kịp thời các gói hỗ trợ đến đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không để đồng bào dân tộc thiểu số bị thiếu đói do ảnh hưởng dịch bệnh. An ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước cơ bản ổn định; đồng bào các dân tộc chấp hành tốt và ủng hộ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cũng còn băn khoăn về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở một số địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội chậm phát triển; băn khoăn, lo lắng về một số tác động, ảnh hưởng đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gặp khó khăn về việc học tập của các cháu học sinh, việc khám chữa bệnh do sáp nhập trường học, cơ sở khám chữa bệnh...

Tại phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến dẫn chứng, việc thực hiện chủ trương giảm đầu mối, tinh giản biên chế giáo viên ở các tỉnh miền núi với đặc điểm địa bàn xa, dân cư sống phân tán gặp rất nhiều khó khăn. Việc sáp nhập trường, lớp ảnh hưởng đến quãng đường di chuyển của học sinh. Một số trường tiểu học, THCS sau khi sáp nhập không đạt tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành lập trường bán trú, dẫn đến cả học sinh và giáo viên không được hưởng chế độ, nhà trường cũng không được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sửa chữa trường, lớp học, trang thiết bị.

Hay về bảo hiểm y tế, trước đây Nhà nước hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và người có hộ khẩu cư trú trên địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn. Hiện nay, đối với các xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ này nữa dẫn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp đi, nhiều người dân ở đây có đời sống rất khó khăn, không có khả năng để tham gia. “Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét tiếp tục hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong những năm đầu cho người dân thoát khỏi danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo (do đạt chuẩn nông thôn mới) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ”, ĐBQH Lò Thị Luyến kiến nghị.

Cử tri và Nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc ít người. Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nguyên nhân giải ngân thấp là do phân bổ vốn chậm, văn bản hướng dẫn quản lý, tổ chức thực hiện chương trình chưa được ban hành kịp thời. ĐBQH Lò Thị Luyến đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 sang năm 2023 và không giảm số vốn dự kiến năm 2023 cho các chương trình này vì khi đã có hướng dẫn về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình thì chắc chắn là việc giải ngân sẽ tốt hơn.

Việt Hà