Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong mọi cấp học, bậc học

- Thứ Năm, 04/08/2022, 05:28 - Chia sẻ

Chủ trì cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh,việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải đi vào từng cấp học, bậc học. Ở đây có vai trò rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cả trong định hướng giáo dục và trong vai trò tiên phong, gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quá nhiều đầu sách giáo khoa là sự lãng phí vô cùng lớn

Là Bộ quản lý lĩnh vực “nóng”, liên quan đến mọi gia đình, toàn xã hội nên việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo được Đoàn giám sát của Quốc hội đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, hạn chế trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Bộ và trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công…

Tuy nhiên, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra, Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đánh giá đầy đủ vướng mắc trong triển khai thực hiện các văn bản Luật, nghị định được ban hành thuộc lĩnh vực quản lý; vẫn còn sự buông lỏng quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; chậm ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm và hướng dẫn xác định định mức biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xác định biên chế giai đoạn theo vị trí việc làm; có tình trạng lãng phí xảy ra ở nhiều dự án trong việc mua sắm thiết bị dạy và học; việc xử lý hoặc kiến nghị cụ thể hình thức xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được làm rõ…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, một trong những bất cập hiện nay là quy định về quản lý đội ngũ viên chức trong ngành giáo dục.  Quy định về bồi dưỡng chứng chỉ đối với đội ngũ giáo viên đang tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Qua phản ánh của các địa phương, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ hạng giáo viên đang được thực hiện không thống nhất tại các địa phương, gây lãng phí.

Chưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với sách giáo khoa cũng là nội dung được Đoàn giám sát chỉ ra. Nếu như tính mẫu mực, khoa học, ổn định, cập nhật, kế thừa của sách giáo khoa là những tiêu chuẩn mà quốc tế khẳng định, thì nước ta lại khó đạt được điều này vì có quá nhiều bộ sách, loại sách; có địa phương dùng loại sách này, sang năm dùng loại sách khác, sách chỉ dùng một năm, không được tái sử dụng gây lãng phí vô cùng lớn. Trước thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn hóa lại vấn đề sách giáo khoa, quá nhiều đầu sách, không phải năm nào cũng cần thay đổi, anh học xong không thể đưa lại cho em, là lãng phí vô cùng”.

Cùng quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân cho biết, bất cập hiện nay là chúng ta không tính đến sự kế thừa và ổn định của sách giáo khoa, mỗi năm in sách một lần, thậm chí in cả bài tập vào sách giáo khoa. Khổ sách giáo khoa lớn, giấy tốt hơn, nhưng chất lượng giáo dục có tốt hơn không, có đè nặng lên các gia đình nghèo không? 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thay sách giáo khoa theo hình thức “cuốn chiếu”     

Đi cùng với yêu cầu đổi mới của sách giáo khoa là đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đặt vấn đề, nếu sách giáo khoa không thay đổi, thì có cần thiết năm nào cũng phải tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giáo viên? Bồi dưỡng mà không có nội dung gì mới, không hữu ích thì có nên không?

Phát biểu giải trình tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo trên cơ sở ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát và kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Giải trình những vấn đề Đoàn giám sát đặt ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, ngành giáo dục đang trong giai đoạn đổi mới sâu sắc, toàn diện; trong đó có giáo dục phổ thông. Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thay đổi từ khung, cấu trúc chương trình, thay đổi sách giáo khoa, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tập huấn giáo viên… Sự thay đổi này tác động tới 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,6 triệu giáo viên.

Hiện nay sách giáo khoa được thay theo hình thức cuốn chiếu. "Một năm thay lớp một; một năm thay lớp hai và lớp sáu; năm nay thay lớp ba, lớp bảy; năm sau lớp bốn, lớp tám, lớp mười một và chỉ còn một chặng nữa là thay xong. Thay khi nào xong thì sẽ thôi. Như sách giáo khoa lớp một thì ba năm nay vẫn là bộ sách ấy chứ không phải năm nào cũng thay. Với chương trình mới, phương pháp kiểm tra đánh giá khác, sách giáo khoa là chỗ dựa quan trọng nhất, khi thay đổi thì phải tập huấn giáo viên. Bộ chủ trương phải giúp giáo viên đảm nhiệm được bộ sách giáo khoa mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng theo Bộ trưởng, việc tập huấn được tổ chức thành dự án riêng, lan tỏa trong toàn bộ hệ thống ngành giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thông tin bổ sung về số lượng giáo viên được tập huấn, hiệu quả ra sao.

Phó Chủ tịch Quốc Trần Quang Phương nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải đi vào từng cấp học, bậc học. Ở đây có vai trò rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong định hướng giáo dục và cả trong vai trò tiên phong, gương mẫu. Đơn cử, ngay trong chính Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, việc thoái vốn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chậm, hơn 80% vốn điều lệ (491 tỷ đồng) đang đầu tư vào 40 công ty cổ phần chưa thu hồi nên toàn bộ vốn để sản xuất sách giáo khoa phải đi vay ngân hàng, làm phát sinh chi phí lãi vay, tính vào giá thành sách giáo khoa làm tăng giá sách. Sự chậm trễ này, gây lãng phí cho toàn xã hội. 

Hay như chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc trang bị các thiết bị điện tử phục vụ cho dạy và học trực tuyến. Nhưng hiện nay với việc dừng học trực tuyến trong cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn gì về việc sử dụng hiệu quả máy móc, thiết bị, tránh cất giữ trong thư viện, lưu kho gây hỏng hóc, lạc hậu hay chưa?

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân, trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Những vấn đề Bộ cần quan tâm chấn chỉnh thêm đó là: đầu tư công, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, chính sách xã hội hóa giáo dục, sách giáo khoa.

Anh Thảo