Nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác trong khu vực

- Thứ Tư, 07/12/2022, 18:21 - Chia sẻ

Chiều tối nay, 7.12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã về đến Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand. Trả lời phóng viên báo chí tháp tùng đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nhấn mạnh, chuyến thăm đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo hai nước đều đánh giá rất cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội và bố trí chương trình làm việc ở cấp độ cao nhất. Hai bên đã trao đổi sâu rộng các vấn đề trong tổng thể quan hệ hai nước và nhất trí cao về việc thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược vì lợi ích của mỗi quốc gia cũng như vì hoà bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Tăng cường quan hệ trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Australia và New Zealand?

- Australia và New Zealand là hai Đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam tại Nam Thái Bình Dương. Chúng ta có quan hệ toàn diện với hai quốc gia này từ chính trị - ngoại giao đến quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục – đào tạo, lao động và giao lưu nhân dân... Đặc biệt, hai nước đều rất coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam tại khu vực trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội nước ta, cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước ta đến hai quốc gia này sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội Khoá XV, phía bạn cũng mới tổ chức bầu cử và bầu ra ban lãnh đạo mới. Các nhà lãnh đạo hai nước đều đánh giá rất cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội và bố trí chương trình làm việc ở cấp độ cao nhất. Chủ tịch Quốc hội đã có các cuộc hội kiến, hội đàm với tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao của bạn như: Toàn quyền, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Australia và Toàn quyền, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội New Zealand. Chủ tịch Quốc hội cũng đã tiếp rất nhiều bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội phụ trách các lĩnh vực quan trọng của hai nước trong hợp tác với Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích quốc gia  và hoà bình, ổn định, hợp tác trong khu vực
 -0
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà

Qua các cuộc hội đàm, hội kiến và làm việc, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo hai nước đã trao đổi sâu rộng, thực chất các vấn đề tổng thể trong quan hệ hai nước từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, du lịch, lao động...

- Với Australia, chuyến thăm đã có những kết quả cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Australia đã chuẩn bị rất chu đáo cho chuyến thăm với chương trình làm việc hết sức dày dặn và nội dung trao đổi sâu sắc, thực chất. Các nhà lãnh đạo Australia đều nhấn mạnh hai bên cần tăng cường quan hệ trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.

Hai Bên cùng khẳng định ủng hộ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh quan hệ chính trị - ngoại giao là nền tảng, quan hệ thương mại - đầu tư là động lực và giao lưu nhân dân là chất xúc tác để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Australia lên tầm cao mới trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Australia cũng bày tỏ mong muốn hai bên sớm trao đổi các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện để có thể nâng cấp quan hệ trong năm 2023 khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hai bên cũng như đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Australia cũng đã trao đổi, thảo luận về các lĩnh vực thuộc mối quan tâm chung của toàn cầu như: chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây là những lĩnh vực Australia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Hai bên nhất trí cao về việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này. Thoả thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Liên nghị viện Australia được ký trong khuôn khổ chuyến thăm cũng đã nhấn mạnh cơ quan lập pháp hai bên sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng khuôn khổ pháp lý thúc đẩy các lĩnh vực này.

Hai bên cũng chia sẻ mối quan tâm chung về hoà bình, an ninh ở các khu vực và trên thế giới, nhất là khu vực Ấn Độ dương, Thái Bình dương, trong đó có biển Đông liên quan đến lợi ích của chúng ta. Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông cũng là một trong những lĩnh vực được hai bên trao đổi sâu sắc, toàn diện.

Với lĩnh vực lao động, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống như quốc phòng – an ninh, thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo thì đây cũng là lĩnh vực ưu tiên và Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Australia để thúc đẩy hợp tác lao động theo các hình thức như lao động kỷ nghỉ, lao động nông nghiệp để hỗ trợ Australia những thời điểm thiếu lao động. Tại Australia, Chủ tịch Quốc hội đã tham dự Diễn đàn Hợp tác thương mại – đầu tư và Diễn đàn hợp tác giáo dục, chứng kiến trao 12 MOU giữa các trường đại học hai nước, mở ra giai đoạn hợp tác mới cho lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Lạc quan về triển vọng phát triển quan hệ với Australia và New Zealand

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác trong khu vực

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội nhận được những phản hồi rất tích cực từ cả chính giới, học giả, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Australia và New Zealand cũng như cộng đồng người Việt ở sở tại cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ những kết quả cụ thể đã đạt được, tạo động lực để quan hệ Việt Nam với các nước này sang giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn nữa.

Australia và New Zealand tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta trọng thị, chu đáo, thân tình, với nghi lễ truyền thống độc đáo; trao đổi với độ tin cậy cao, thực chất; đồng quan điểm với Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Đây là thuận lợi mới, tạo môi trường chính trị chung thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ với hai nước, cũng như thu hút nguồn lực phục vụ phát triển đất nước ta.

Chúng ta có thể lạc quan về triển vọng phát triển quan hệ hợp tác với Australia và với New Zealand trong thời gian tới. Năm 2023 sẽ là một năm sôi động trong hợp tác của Việt Nam với hai nước. Với Australia, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có việc xem xét nâng quan hệ với Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời điểm phù hợp. Với New Zealand, hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ vào năm 2025. Đây là thời điểm quan trọng để đề ra tầm nhìn cho 50 năm tới trong quan hệ với hai nước.

Chúng ta sẽ cùng Australia và New Zealand tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; ở cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; đồng thời, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động; giáo dục đào tạo; khoa học công nghệ; quốc phòng an ninh, hợp tác giữa các địa phương; mở thêm đường bay trực tiếp giữa các thành phố lớn của ta với hai nước. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại COP26; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, như tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, chuyển đổi số, cũng như phối hợp chặt chẽ, tích cực trong các vấn đề quốc tế khu vực thuộc quan tâm chung của Việt Nam và Australia, New Zealand, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nói chung.

P. Thúy ghi

Cụ thể hoá nội hàm hợp tác nghị viện thực chất, hiệu quả

- Với New Zealand, chuyến thăm mang lại những kết quả cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đến New Zealand là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội nước ta sau 18 năm. Do đó, đây là dịp hết sức quan trọng để lãnh đạo hai nước trao đổi sâu rộng về quan hệ hợp tác trên cả bình diện song phương và đa phương. Đặc biệt Việt Nam là Đối tác chiến lược duy nhất của New Zealand ở khu vực Đông Nam Á đến thời điểm hiện nay. Thời gian qua, hợp tác hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực thương mại và giáo dục – đào tạo. Chúng ta có cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand tuy không lớn về số lượng nhưng được các nhà lãnh đạo New Zealand đánh giá rất cao về những đóng góp cho sở tại, sinh viên Việt Nam du học tại đây được đánh giá cao về sự thông minh, hiếu học, hội nhập nhanh.

Qua các cuộc hội đàm, hội kiến, làm việc của Chủ tịch Quốc hội với các nhà lãnh đạo cao nhất của New Zealand, hai bên đều mong muốn và thống nhất sẽ tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, giúp bạn đa dạng hoá thị trường trong quan hệ thương mại quốc tế. Tại New Zealand, Chủ tịch Quốc hội đã dự Diễn đàn về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và Diễn đàn hợp tác về giáo dục, chứng kiến việc đại diện Chính phủ Việt Nam trao chứng nhận về mở cửa thị trường đối với quả dâu tây và bí ngô của New Zealand. Trước đó, trong chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand đến Việt Nam (tháng 11.2022), phía New Zealand đã mở cửa thị trường với bưởi và chanh của Việt Nam. Với những bước đi như vậy, tôi cho rằng, quan hệ thương mại, đầu tư, nhất là những sản phẩm nông nghiệp, sẽ giúp cho người nông dân hai nước có điều kiện tăng cường sản xuất, hợp tác thương mại trong thời gian tới.  

- Đối với hợp tác nghị viện, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội tại hai nước mang lại những kết quả cụ thể gì và hai bên sẽ tiếp tục cụ thể hoá như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Đối với Australia, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Australia đã cùng ký Thoả thuận hợp tác mới nhằm thúc đẩy, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp hai nước trong tình hình mới. Ngay sau chuyến thăm, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam và cơ quan phụ trách đối ngoại của Nghị viện Australia được giao làm đầu mối tổ chức triển khai thực hiện Thoả thuận hợp tác này sẽ trao đổi cụ thể để chi tiết hoá nội hàm hợp tác, xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung hợp tác một cách thực chất, hiệu quả, đặc biệt là trong trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lập pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế đối với những vấn đề mới, mang tính toàn cầu như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững...

Với New Zealand, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy việc trao đổi các nội hàm của thoả thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước để ký thoả thuận này trong thời gian sớm nhất, như Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi với Chủ tịch Quốc hội bạn có thể trước thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 2025) để làm cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội.

- Qua chuyến thăm, các nhà lãnh đạo hai nước đã thống nhất cao về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia và thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi nước và đóng góp như thế nào đối với khu vực?

- Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Australia từ năm 2018, với New Zealand là năm 2020. Từ đó đến nay, thời gian tuy chưa dài, lại đúng vào giai đoạn các nước trên thế giới đều chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid – 19, nhưng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Australia, Việt Nam – New Zealand vẫn phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Những kết quả đã đạt được trong bối cảnh đầy khó khăn do tác động của đại dịch Covid – 19 như vậy và xu hướng hợp tác trong tương lai là nền tảng rất tốt để Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia và tăng cường, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với New Zealand trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam hay với Australia, New Zealand mà còn với khu vực bởi trong bối cảnh hiện nay khi tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, chúng ta cần có những đối tác chiến lược tin cậy để củng cố hơn nữa môi trường hoà bình, an ninh, từ đó, cùng nhau phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Thúy
#