Tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông

BÁCH HỢP - THANH MAI 07/01/2023 07:02

Thảo luận tại Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng qua, 6.1, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, để thực hiện thành công Quy hoạch, một nội dung quan trọng cần được quan tâm là xác định định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật quốc gia, đặc biệt là hạ tầng giao thông để tháo gỡ kịp thời các "nút thắt" thúc đẩy phát triển. Cùng với đó, Quy hoạch cần mang tính dự báo và khả thi để tránh trường hợp điều chỉnh nhiều lần, gây lãng phí thời gian, tiền của và công sức xã hội...

Quan tâm hạ tầng giao thông đường thủy, đường sắt

Tại phiên Thảo luận Tổ, các ĐBQH tỉnh Bắc Giang tán thành cao với việc ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch mang tính chiến lược với quy mô rất lớn, phạm vi rộng và lần đầu tiên triển khai quy hoạch về định hướng tích hợp, tích hợp các ngành, lĩnh vực, các vùng lãnh thổ. Mặc dù chưa có trong tiền lệ, song các đại biểu cho rằng: quy hoạch đã được nghiên cứu công phu, bài bản và có tính hệ thống, trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển quốc gia, tuân thủ các định hướng, chiến lược phát triển có liên quan. Đồng thời, thể hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, thể chế hóa được khá toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng. Đặc biệt là Kết luận số 45-KL/TW ngày 17.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030).

Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc xác định định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật quốc gia, đặc biệt hạ tầng giao thông. Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn: Việt Nam đã và đang phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chi phí logistic trong GDP tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2050 tương đương với các nước phát triển trên thế giới. Muốn đạt được mục tiêu này, giải pháp phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông đường sắt đóng vai trò quan trọng nhưng trên thực tế còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 mặc dù đã đưa ra định hướng về phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, song chỉ mới xác định được hệ thống đường sắt nội địa.

Khẳng định hạ tầng giao thông có vai trò như "huyết mạch" của nền kinh tế, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái nhấn mạnh việc cần quan tâm đến hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường thủy và đường sắt. Trong đồ án quy hoạch đang tập trung 2 hành lang kinh tế và định hướng 6 hành lang, nhưng hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng thì chưa được đề cập rõ nét. Theo đại biểu, cần nhìn nhận và quan tâm hơn nữa đến hành lang này, vì đây là một trong những hành lang hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: hiện nay, phần lớn nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc đi qua cửa khẩu Hữu Nghị. Vì vậy, cần quan tâm đến quy hoạch đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Nếu làm tuyến đường sắt này và phát triển logistic thì chúng ta tiếp cận với Trung Quốc, châu Âu và Trung Á rất gần; chi phí vận chuyển giảm hơn rất nhiều, đặc biệt làm giảm tải cho vận tải đường bộ rất lớn. Bên cạnh đó, cần sớm ưu tiên dành nguồn lực đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, góp phần giảm tải rất lớn cho giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông -0
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 18
 Ảnh: Bách Hợp

Tránh điều chỉnh quy hoạch nhiều lần

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm cho rằng: việc tổ chức sắp xếp các đơn vị hành chính chưa được đề cập rõ ràng. Theo đại biểu, với một đơn vị hành chính, trước hết là quy hoạch tổng thể các đô thị trung tâm hạt nhân, sau đó hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, các trụ sở, các công trình văn hóa, hạ tầng xã hội. Từ câu chuyện “chia tách - sáp nhập” các đơn vị hành chính hiện nay, đại biểu băn khoăn không biết liệu sau 10 năm quy hoạch này có còn phù hợp, phát huy được tác dụng hay không. Do đó, quy hoạch cần mang tính dự báo và khả thi để tránh trường hợp điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, gây lãng phí thời gian, tiền của và công sức xã hội.   

Liên quan đến phát triển y tế, các đại biểu cho rằng: cần cân đối giữa phòng bệnh và chữa bệnh, nhất là làm rõ hơn về quy hoạch cho hệ thống y tế dự phòng. Đối với lĩnh vực văn hóa, các đại biểu mong muốn trong Quy hoạch cần chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng các hệ thống phát triển văn hóa phi vật thể. Bởi đây chính là “hồn cốt” của văn hóa. Do đó, xác định những yếu tố nào phải quan tâm đầu tư để hình thành nên một nền tảng văn hóa tinh thần có chiều sâu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin trong quy hoạch, đại biểu cho rằng, cần sớm hình thành được hệ thống thông tin kết nối người dân với chính quyền; xây dựng công dân số để có thể thực hiện các giao dịch hoạt động trên mạng một cách chính danh, minh bạch và an toàn…

ĐBQH Leo Thị Lịch cho rằng, sau khi quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -  2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác quy hoạch, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch. Tổ chức công bố công khai quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Kịp thời rà soát nội dung các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia để bảo đảm phù hợp, liên kết và đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO