Quan điểm này được các đại biểu khẳng định tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật và Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây.
Cần thiết bổ sung quy định thời hạn tập sự nghề công chứng
Yêu cầu nâng cao chất lượng công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng để công chứng thực sự trở thành công cụ hỗ trợ và bảo đảm tin cậy cho người dân, doanh nghiệp trong việc giao kết các hợp đồng, giao dịch là nội dung rất được quan tâm trong quá trình sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). So với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã có những điểm mới được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển nghề công chứng, giải pháp khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật.
Những nội dung mới được bổ sung, sửa đổi được các đại biểu kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý phù hợp cho sự phát triển bền vững nghề công chứng nói chung và hoạt động đào tạo nghề công chứng nói riêng. Đây cũng là điều kiện bảo đảm để hoạt động công chứng thực sự là dịch vụ an toàn cho các chủ thể tham gia giao dịch trong điều kiện các giao dịch ngày càng đa dạng, phức tạp, phong phú. Đồng thời, là cơ sở để xây dựng các chương trình đào tạo và là điều kiện cho việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo.
Cụ thể, về tập sự hành nghề công chứng, Điều 10 dự thảo Luật quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng để giúp các đối tượng tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Đồng thời, quy định rõ người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự. Bổ sung quy định trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng chỉ ra thực tế, hiện nay do không có quy định về thời hạn có giá trị của chứng chỉ đào tạo nên thực tế có nhiều trường hợp học viên đi học mà chưa xác định được mục tiêu hành nghề sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, có nhiều trường hợp học viên đã tốt nghiệp khoá đào tạo nghề công chứng nhưng sau hơn 10 năm mới tham gia tập sự hành nghề, khi đó hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng đã thay đổi rất nhiều.
Bởi vậy, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, cần thiết bổ sung quy định thời hạn tập sự nghề công chứng sau khi có chứng chỉ đào tạo nghề công chứng theo hướng “Khi được cấp chứng chỉ đào tạo nghề công chứng phải tham gia tập sự nghề công chứng trong thời hạn 10 năm. Hết thời hạn này mà người được cấp chứng chỉ đào tạo không tập sự hành nghề công chứng thì chứng chỉ đào tạo không còn hiệu lực".
Bảo đảm quyền được rút vốn của các công chứng viên hợp danh
Điều 27 của dự thảo Luật quy định “Công chứng viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi văn phòng công chứng khi được ít nhất ba phần tư tổng số công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng chấp thuận bằng văn bản và văn phòng công chứng phải còn ít nhất là 2 công chứng viên hợp danh tại thời điểm công chứng viên hợp danh được rút vốn”.
Song, nhiều đại biểu nhận thấy, việc quy định như vậy sẽ dẫn đến việc làm mất quyền của các công chứng viên hợp danh về rút vốn khỏi văn phòng công chứng khi mà văn phòng chỉ còn dưới 4 công chứng viên. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến lý giải, khi đó chỉ còn không quá 3 công chứng viên hợp danh, nên không thể thực hiện được quy định về điều kiện “phải được ít nhất ba phần tư tổng số công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng chấp thuận bằng văn bản”. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định nêu trên để bảo đảm quyền được rút vốn bình đẳng, công bằng của các công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng.
Cũng tại Điều 27 dự thảo Luật quy định công chứng viên hợp danh chấm dứt tư cách thành viên hợp danh trong trường hợp tự nguyện rút vốn khỏi văn phòng công chứng và văn phòng công chứng có quyền tiếp nhận công chứng viên hợp danh mới. Theo TS. Nguyễn Văn Mích - Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, như vậy, khi thay đổi công chứng viên hợp danh, văn phòng công chứng không có nghĩa vụ phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ có nghĩa vụ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng tại Sở Tư pháp nơi đã đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, Sở Tư pháp cấp lại giấy đăng ký hoạt động, văn phòng công chứng hoàn thành việc thay đổi công chứng viên hợp danh.
Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp cũng không có bất cứ quy định nào về việc chuyển nhượng, mua bán, hợp nhất, sát nhập công ty hợp danh. Việc thay đổi thành viên hợp danh trong công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp được thực hiện trong hai trường hợp: chấm dứt tư cách thành viên hợp danh (Điều 185) và tiếp nhận thành viên hợp danh mới (Điều 186). Tư cách thành viên hợp danh sẽ chấm dứt trong trường hợp thành viên hợp danh tự nguyên rút vốn khỏi công ty với điều kiện phải được Hội đồng thành viên chấp thuận, và việc bổ sung thành viên hợp danh mới cũng phải được sự chấp thuận của hội đồng thành viên.
Phân tích rõ hơn vấn đề này, các đại biểu cho rằng, việc thay đổi công chứng viên hợp danh trong văn phòng công chứng là quyền chủ động của các công chứng viên hợp danh mà không bị lệ thuộc vào sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước. Trình tự, thủ tục thay đổi công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng cũng đơn giản hơn rất nhiều so với trình tự, thủ tục chuyển nhượng văn phòng công chứng.
Như vậy, với mục đích chuyển nhượng văn phòng công chứng, hiển nhiên các công chứng viên sẽ lựa chọn cách thức đơn giản nhất, thuận tiện nhất, tiết kiệm thời gian nhất đó là thay đổi công chứng viên hợp danh theo lộ trình tiếp nhận các công chứng viên hợp danh mới, sau đó chấm dứt tư cách các công chứng viên hợp danh cũ thay vì phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng văn phòng công chứng theo những trình tự, thủ tục phức tạp, rườm rà. Từ đó, các đại biểu kiến nghị, dự thảo Luật nên bỏ quy định về chuyển nhượng văn phòng công chứng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dự thảo Luật sửa đổi cả những quy định về công chứng điện tử thì rất cần thiết lập hành lang pháp lý trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về công chứng trên phạm vi toàn quốc; cho phép công chứng viên được phép tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu giấy tờ tùy thân, cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng và các cơ sở dữ liệu có liên quan khác có liên quan đến hoạt động công chứng. Khi đó, công chứng viên mới có đủ điều kiện và cơ sở để bảo đảm tính xác thực, hợp pháp trong hoạt động công chứng.