Dư âm Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Tăng sức bền vững của lưới an sinh xã hội

- Thứ Năm, 22/09/2022, 05:43 - Chia sẻ

TS. BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Những ý kiến chuyên sâu, đa chiều, cặn kẽ của các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng sự điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa đã mang đến thành công trọn vẹn cho Phiên tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022. Đó là đánh giá đúng đắn, chính xác của báo chí. Theo dư luận chung, đánh giá đó không chỉ đối với phiên tọa đàm cấp cao mà còn với toàn thể hoạt động của Diễn đàn. 

Phục hồi kinh tế phải lấy con người làm trung tâm

Diễn đàn đã khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về sự kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế là phương hướng, là mục tiêu cho mọi hành động thực tiễn sau Diễn đàn.

Diễn đàn cũng đã thống nhất cao về “gói giải pháp” đồng bộ từ vĩ mô đến vi mô. Đó là: Tháo gỡ những “điểm nghẽn” để nền kinh tế vận hành thống nhất; tăng cường tính chủ động trong điều hành vĩ mô; mọi quyết sách đều phải ăn nhập với thực tiễn; cải cách thể chế là yêu cầu tất yếu khách quan; sửa đổi luật pháp cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là phải có bước đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai; khắc phục tối đa tình trạng có tiền mà không thể giải ngân; bảo đảm ổn định tài chính, tập trung cải cách tài chính công; hỗ trợ doanh nghiệp để giữ đà tăng trưởng; phục hồi kinh tế phải lấy con người làm trung tâm và tạo ra tương lai tốt về việc làm cho thanh niên...

Kết quả đạt được của Diễn đàn là to lớn và đặc biệt đậm nét đối với lĩnh vực "xã hội". Hơn hai năm bùng phát đại dịch Covid-19, đi đôi với thiệt hại về kinh tế còn biết bao vấn đề xã hội đã xảy ra. Vì vậy, tại Diễn đàn lần này đã có một số ý kiến nêu bật lên đường hướng cơ bản của những chính sách xã hội ở tầm vĩ mô trước mắt và trong tương lai gần mà trọng tâm là “sự phục hồi kinh tế phải lấy con người làm trung tâm”. Trong đó, đặc biệt phải coi trọng việc tăng cường sức bền vững của mạng lưới an sinh xã hội nhằm bảo đảm cho cuộc sống của các đối tượng thuộc chính sách xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường nói chung vốn dĩ mang tính hai mặt (ưu thế và khuyết tật). Trong đại dịch, mặt ưu thế bị xói mòn, mặt khuyết tật bị khuyếch đại. Một trong những khuyết tật đó là kinh tế thị trường không thể giải quyết hợp lý, thấu đáo các mục tiêu xã hội, vì kinh tế thị trường chỉ chú ý đến các nhu cầu có khả năng thanh toán, rất lạnh lùng với các nhu cầu không thanh toán được (của người nghèo, tầng lớp yếu thế trong xã hội). Kinh tế thị trường vốn dĩ đã gây ra phân cực xã hội, phân hóa giàu nghèo với mức độ lớn thì sau khi khống chế được đại dịch, các tầng lớp lao động càng khó khăn, nghèo khổ hơn... Chính vậy, họ phải được mạng lưới an sinh xã hội che chở, bao bọc. Đó cũng chính là một điểm nhấn của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện hiệu quả cả 3 chức năng: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro

Mạng lưới an sinh xã hội từ lâu đã được Nhà nước thiết kế theo 4 tầng nấc chính sách và ngày càng hoàn chỉnh hơn:

Tầng thứ nhất: Là nhóm chính sách hỗ trợ công dân, người lao động tiếp cận thị trường lao động tham gia vào các khu vực lao động, nhất là vào các doanh nghiệp để có việc làm, có thu nhập, từ đó mà tự lo toan toàn bộ hoặc một phần cuộc sống của mình, của gia đình mình. Đây là tầng nấc quan trọng bậc nhất. Vì nếu toàn bộ lao động xã hội đều có việc làm và việc làm càng nhiều, càng có giá trị thì thu nhập càng cao, đời sống càng được bảo đảm, người lao động phấn khởi mà Nhà nước cũng giảm được các khoản trợ cấp từ các chính sách khác.

Chính vì vậy, khi đã khống chế được đại dịch, chúng ta đã kích hoạt lại sản xuất kinh doanh và cố gắng hết mức để phát triển nhanh chóng, bền vững mọi hoạt động sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, thu hút tối đa các nguồn lao động xã hội. Tại Diễn đàn lần này, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị phải phát triển thị trường lao động hoạt động tốt hơn, mạnh mẽ hơn, tạo ra nhiều công việc có chất lượng cao hơn sẽ cho phép thiết lập vòng tuần hoàn giữa năng suất lao động và chất lượng công việc hiệu quả hơn.

Tầng thứ 2: Là nhóm chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Nhóm chính sách này nhằm bù đắp lại một phần thu nhập của người lao động bị suy giảm, bị mất hết khi bị rủi ro. Trong quá trình làm việc, người lao động có thể có lúc ốm đau, có người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hoặc doanh nghiệp có sự cố, bị phá sản, làm mất việc làm, dẫn đến lao động thất nghiệp; trong thời gian làm việc, phụ nữ có thể sinh con. Tất cả những trường hợp ấy đều phải nghỉ việc theo thời hạn do pháp luật quy định và bị giảm tiền lương ở nơi làm việc. Do đó phải có các chính sách bảo hiểm để bảo đảm thu nhập cho người lao động. Khi người lao động ra khỏi quá trình lao động, nghỉ hưu thì phải có lương hưu. Các chính sách nói trên cũng đã từng bước được hoàn thiện và ngày càng tốt hơn, có lợi cho người lao động. 

Tầng thứ 3: Là nhóm các chính sách bảo trợ (trợ giúp) xã hội, nhằm hỗ trợ khắc phục rủi ro không thể lường trước, vượt quá khả năng chống chịu của người dân, nhất là người nghèo ở xã nghèo, huyện nghèo, vùng nghèo. Đó là các trường hợp thiên tai (nắng hạn, bão lũ, mất mùa, lở đất...) và địch họa. Nhóm chính sách này rất quan trọng và vô cùng thiết thực trong hoàn cảnh địa lý, khí tượng thủy văn khá phức tạp của đất nước ta, đặc biệt là bão lũ, mỗi năm trung bình có tới 8 - 10 trận càn quét qua...

Tầng thứ 4: Là nhóm chính sách đối với người có công; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm trả lại phần lao động quá khứ (toàn bộ hoặc một phần hao phí lao động) đã đóng góp cho cách mạng, cho kháng chiến để người có công có được cuộc sống bình thường. Với 9,2 triệu người có công (10% dân số), trong đó người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng là 1,4 triệu người thì đây là nhóm chính sách đặc biệt của nước ta (tuyệt đại bộ phận các nước trên thế giới, mạng lưới an sinh xã hội của họ chỉ có 3 nhóm chính sách đầu, không có nhóm thứ 4). Đối với nước ta, nhóm chính sách này mang nhiều ý nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “hiếu nghĩa bác ái”, trân quý các thế hệ cha anh...  Do đó Đảng và Nhà nước thường xuyên chăm lo tận tình, chu đáo và chỉ đạo việc hoàn thiện chính sách cho sát hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.

Tại Diễn đàn, mỗi chuyên gia phát biểu một nhóm chính sách, thậm chí chỉ một chính sách cụ thể, nhưng gom lại thì tương đối đầy đủ. Đó là, sứ mệnh cao cả của mạng lưới an sinh xã hội là phải thường xuyên bảo đảm thực hiện có hiệu quả cả 3 chức năng: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Bởi vậy, song song với các chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững thì mạng lưới an sinh xã hội phải được vận hành, phát huy tối đa vai trò của nó theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là, “phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững. Xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ... Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động... Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững... Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân...”.

Tăng sức bền vững của lưới an sinh xã hội -0