Tăng cường giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

- Chủ Nhật, 08/05/2022, 07:58 - Chia sẻ

Sau 9 năm thi hành, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, tại Hội thảo về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá do Ủy ban Xã hội vừa tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng, cần tăng cường giám sát việc thực thi Luật, nâng cao trách nhiệm tuân thủ, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Nhiều tác động tích cực

Thuốc lá là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích tiêu dùng. Do vậy, nhà nước đã có chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thuốc lá nhằm từng bước giảm cả cung và cầu. Nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá đã được ban hành, đặc biệt là Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5.2013. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong có nguyên nhân từ thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân.

Việc thực hiện Luật trong thời gian qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cụ thể, theo số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố do Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá thực hiện thì tỷ lệ hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% vào năm 2015 xuống còn 21,7% trong năm 2020.

Trong đó, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống còn 42,3% năm 2020. Tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm năm 2020 cũng đã giảm so với năm 2015 như: nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống còn 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56,0%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar, cà phê, trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%. tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở ytế tăng từ 40,5% vào năm 2015 lên 72,2% năm 2020. Nhận thức về tác hại của thuốc lá của người dân ngày càng cao, trên 95%.

Ở góc độ kinh tế, ông Cao Trọng Quý, đại diện cục công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý sản xuất, kinh doanh và phòng, chống tác hại của thuốc lá đã bao trùm trên nhiều lĩnh vực từ khâu trồng, sản xuất kinh doanh đến lưu thông, phân phối, nhập khẩu, xử phạt hành chính…

Tại khoản 2, điều 4 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng quy định rõ: áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. theo đó, trong giai đoạn 2013 - 2020, số nộp ngân sách toàn ngành bình quân đạt 18.000 tỷ đồng/năm. năm 2020, chỉ tính riêng các loại thuế liên quan đến kinh doanh sản xuất thuốc lá điếu và nguyên phụ liệu thuốc lá (không tính thuế nhập khẩu), các doanh nghiệp trong Hiệp hội thuốc lá đã nộp ngân sách nhà nước đạt 17.152,1 tỷ đồng. Thuế nhập khẩu các doanh nghiệp đã nộp năm 2020 là 799,8 tỷ đồng. như vậy, tổng các loại thuế nộp ngân sách nhà nước của ngành thuốc là năm 2020 là 17.951,9 tỷ đồng.

t3-2.jpg -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu tại hội thảo
Ảnh: M. Trang

Thực thi pháp luật còn nhiều thách thức

Mặc dù đã có khung pháp lý khá đầy đủ, việc thực thi Luật cũng đã tạo ra những chuyển biến tích cực, song tại Hội thảo do Ủy ban Xã hội tổ chức, các chuyên gia nhận định, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đang có nhiều thách thức mới. Trong đó, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các loại hình thuốc lá thế hệ mới gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là với thế hệ trẻ, gây ra nguy cơ nghiện chất nicotine cũng như các chất kích thích, chất gây nghiện khác

Giám đốc trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, TS. Bác sĩ Hoàng Tú Anh nhìn nhận, trẻ em là đối tượng có khả năng bị phơi nhiễm thuốc lá rất cao. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá mới chỉ cấm hút thuốc tại một số địa điểm như bệnh viện, trường học; cấm bán thuốc lá xung quanh trường học; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; cấm người dưới 18 tuổi sử dụng và cấm bán thuốc lá cho trẻ em.

Bác sĩ Hoàng Tú Anh cũng cho rằng, việc tổ chức thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều thách thức nên trẻ em vẫn chưa hoàn toàn được bảo vệ khỏi khói thuốc. Trong khi chưa có các quy định pháp luật về không hút thuốc lá tại một số địa điểm trẻ em có thể bị phơi nhiễm như sân chơi ngoài trời, xe ô tô riêng, trong nhà riêng, ngay bên ngoài trường học... thì công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở người hút thuốc lá tại các nơi này còn hạn chế. Cùng với đó, ngay tại những nơi đã có quy định hạn chế, thậm chí là cấm hút thuốc lá thì nhiều hành vi vi phạm vẫn diễn ra mà chưa bị xử lý. Sự “vào cuộc” của người dân vẫn còn hạn chế, chủ yếu vẫn bị động là người tiếp nhận hơn là tích cực tham gia trong việc khuyến khích tuân thủ pháp luật.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng, chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm của tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. WHO cũng khuyến cáo nên duy trì các quy định pháp luật hiện tại, để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ, đồng thời tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này để hạn chế tối đa cơ hội tiếp cận tới giới trẻ.

Bác sĩ Hoàng Tú Anh cũng khuyến nghị, cần quy định cấm hút thuốc ở cả không gian ngoài cổng trường học, bệnh viện, các khu vực chung của các tòa nhà, trên xe ô tô riêng hay nhà riêng. Tăng cường xử phạt hành vi vi phạm các quy định về hút thuốc nơi công cộng; cho, mời, bán thuốc lá cho trẻ em, vị thành niên; hướng tới xử phạt chủ các cơ sở hơn là người hút để nâng cao trách nhiệm nhắc nhở tuân thủ.

Bộ Y Tế kiến nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; xem xét và tiếp tục ủng hộ lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để hạn chế tiêu dùng theo khuyến cáo của WHO. Đồng thời, tiếp tục xem xét, nghiên cứu và đưa ra các cơ chế hỗ trợ mới giúp phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế cũng cần lưu ý việc quy định chi trả từ Quỹ bảo hiểm y tế cho các hoạt động phòng bệnh như: tư vấn cai nghiện thuốc lá, rượu bia…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nhấn mạnh, cần tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng dữ liệu về phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách phù hợp, thường xuyên; công bố các công trình nghiên cứu chính thống về tác hại của thuốc lá tới người dân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi cây trồng thuốc lá nhưng đồng thời phải có biện pháp phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống của người dân.

Với đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và tăng giá bán thuốc lá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, cần nghiên cứu và xây dựng lộ trình cụ thể, các cơ quan phải có sự phối hợp để có chế tài phù hợp trong xử lý vi phạm.

Minh Trang