Sửa đổi Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị hành chính

Sửa tiêu chuẩn đặc thù sẽ giải quyết cơ bản vướng mắc

- Thứ Hai, 01/08/2022, 06:02 - Chia sẻ

Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả nước đã giảm được 8/713 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 563/11.162 ĐVHC cấp xã, khắc phục triệt để tình trạng chia tách làm tăng ĐVHC. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nhiều ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn. Tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các cơ quan liên quan về đề xuất sửa đổi Nghị quyết này, các đại biểu nhất trí trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn đối với ĐVHC có tính đặc thù sẽ giúp giải quyết cơ bản những vướng mắc hiện nay.

Nghị quyết vẫn đang phát huy giá trị tích cực

Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn ĐVHC và phân loại ĐVHC là Nghị quyết đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này nhằm thực hiện quy định được giao tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Trước đó, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Sửa tiêu chuẩn đặc thù sẽ giải quyết cơ bản vướng mắc -0
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: L. Hiển

"Trước khi có Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 có tình trạng các địa phương rất thích chia tách, sáp nhập ĐVHC, nhất là cấp xã. Vì thế, một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, chúng ta còn dễ dãi quá, việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính phải quản lý chặt chẽ hơn. Do đó Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới quy định thẩm quyền này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhắc lại “lịch sử” ra đời của Nghị quyết số 1211. 

Đến thời điểm này, sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết số 1211, đặc biệt là kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Nghị quyết vẫn đang phát huy giá trị tích cực, giúp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc chia tách các ĐVHC, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại và sắp xếp, thu gọn số lượng các ĐVHC.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, đến nay, cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 563 ĐVHC cấp xã; đặc biệt đã khắc phục triệt để tình trạng chia tách làm tăng ĐVHC, tuyệt đối không phát sinh thêm ĐVHC, được dư luận và Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các ĐVHC sau khi thành lập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đã phù hợp hơn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó đã tạo điều kiện để tinh gọn hơn một bước hệ thống hành chính cấp huyện, cấp xã, cho chúng ta thêm những bài học kinh nghiệm quý để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 1211 cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp tổ chức, bộ máy hành chính.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho biết, quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211 đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nhiều ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn. Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, đến nay chỉ có 22,22% ĐVHC cấp tỉnh, 17,59% ĐVHC cấp huyện và 18,52% ĐVHC cấp xã đạt đủ cả 2 tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên. 

Do đó, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211 theo hướng: tập trung vào sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của ĐVHC trong trường hợp đặc thù và giảm tiêu chuẩn số lượng ĐVHC trực thuộc của 4 loại đơn vị hành chính (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận). 

Cụ thể, Chính phủ đề xuất xác định một số ĐVHC có tính chất đặc thù để được áp dụng mức thấp hơn của một số tiêu chuẩn về quy mô dân số, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và tỷ lệ số đơn vị hành chính trực thuộc so với quy định chung gồm: ĐVHC nông thôn ở miền núi, vùng cao hoặc biên giới; ĐVHC đô thị có di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể được Liên Hợp Quốc đưa vào danh mục di sản thế giới hoặc được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong các quy hoạch đã được phê duyệt. Giảm tiêu chuẩn số lượng ĐVHC trực thuộc của tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận. Sửa đổi tiêu chuẩn về “tỷ lệ quận trên tổng số ĐVHC cấp huyện” đối với thành phố trực thuộc Trung ương thành “tỷ lệ quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số ĐVHC cấp huyện” để phù hợp với xu hướng phát triển lên thành phố trực thuộc Trung ương của một số đô thị. Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến cách tính điểm hoặc làm rõ việc xác định tiêu chuẩn khi phân loại ĐVHC; hồ sơ, trình tự, thủ tục phân loại ĐVHC cấp huyện, cấp xã nơi không tổ chức HĐND...

Không phải hạ thấp tiêu chuẩn để hoàn thành mục tiêu

Từ thực tiễn giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quan điểm chưa nên thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện các tiêu chuẩn của ĐVHC tại thời điểm hiện nay để bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030. Đồng thời nhất trí phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị quyết như đề xuất của Chính phủ: chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn, tiêu chí có yếu tố đặc thù để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, kịp thời thể chế hóa một bước các chủ trương, chỉ đạo mới của Đảng, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc sắp xếp, kiện toàn các ĐVHC. 

Tuy vậy, qua rà soát, đối chiếu với các yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được nêu trong các Nghị quyết của Trung ương, trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng với các cơ quan liên quan, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đặt ra nhiều nội dung cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Trong đó, cần điều chỉnh một số tiêu chuẩn áp dụng đối với ĐVHC có di sản văn hóa thế giới để đáp ứng yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều chỉnh một số tiêu chuẩn để bảo đảm có thể xác định được tỷ lệ % mức đạt được so với quy định áp dụng đối với ĐVHC trong trường hợp đặc thù. Bổ sung một số trường hợp ĐVHC có tính chất đặc thù có thể được áp dụng mức thấp hơn của một số tiêu chuẩn so với quy định như: ĐVHC tại khu vực bãi ngang, bãi bồi ven biển, miền núi, vùng cao hoặc biên giới có từ 90% trở lên là người dân tộc thiểu số; ĐVHC đô thị có định hướng phát triển theo hướng đặc thù như phát triển thành đô thị thông minh, sáng tạo, đô thị xanh...).

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị bổ sung quy định về việc xác định tiêu chí tự cân đối thu chi ngân sách địa phương để tính điểm và phân loại ĐVHC đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội. Điều chỉnh kéo dài hơn thời hạn thực hiện phân loại ĐVHC sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC...

Với các định hướng sửa đổi và các vấn đề được Thường trực Ủy ban Pháp luật đặt ra, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, “phương án thiết kế sửa đổi Nghị quyết số 1211 như vậy là rõ và phù hợp. Bởi vướng mắc, bất cập nhất trong sắp  xếp  ĐVHC vừa qua chính là chưa gắn với yếu tố văn hóa, dân tộc, lịch sử, đặc điểm dân cư, điều kiện địa lý, tự nhiên... - các yếu tố mang tính đặc thù mà tại Nghị quyết số 1211 tuy đã có nêu nhưng chưa toàn diện, chưa đồng bộ. Nếu sửa được những nội dung như đề xuất cũng đã giải quyết được vấn đề rất căn cốt, cơ bản để tiếp tục thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cũng là cơ sở để tới đây Bộ Nội vụ xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC báo cáo Bộ Chính trị”.

Nếu không lựa chọn những vấn đề nêu trên để sửa trước, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, tới đây sẽ rất khó khăn cho việc sắp xếp ĐVHC, phân loại ĐVHC vì tiêu chuẩn tại Nghị quyết so với mặt bằng là khá cao. “Không phải chúng ta hạ thấp tiêu chuẩn xuống để hoàn thành mục tiêu mà là sửa đổi các nội dung chưa thật sự phù hợp khi xây dựng Nghị quyết số 1211”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thêm lộ trình: trước mắt tập trung sửa đổi một phần Nghị quyết số 1211, trọng tâm là các yếu tố đặc thù để có điều kiện triển khai sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2025; sau đó tiếp tục sơ kết, đánh giá và hoàn thiện một số yêu cầu đặt ra tại các văn kiện của Đảng, hoàn thiện quy hoạch tổng thể ĐVHC quốc gia, giải quyết sự chênh lệnh giữa các ĐVHC để đánh giá, tổng kết và đến năm 2030 sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện. 

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến, thực hiện các quy trình thủ tục để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết mới trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8.2022.

Tuy đã có sự thống nhất cao giữa các cơ quan về quan điểm, phạm vi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211, nhưng đúng như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể phải đánh giá hết sức thấu đáo, trên cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học về quản lý nhà nước, quản lý hành chính, các yếu tố về địa lý, dân cư, xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, phân cấp, phân quyền, các kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này... chứ không thể cảm tính được!

Nguyễn Bình