Đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội

Sớm sửa đổi Nghị quyết liên tịch 525 về tiếp xúc cử tri của ĐBQH

- Thứ Tư, 28/02/2024, 11:49 - Chia sẻ

Tại Hội thảo “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội” do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu đề nghị, sớm sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường: Thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân và các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Những năm qua, Ủy ban Tư pháp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp. Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác này của các cơ quan tư pháp, đánh giá, phản biện về nguyên nhân, biện pháp khắc phục và làm rõ được trách nhiệm của một số cá nhân, cơ quan có liên quan. Ủy ban Tư pháp cũng có nhiều kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền ở địa phương nhằm chấn chỉnh, khắc phục sai phạm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân…

Tuy nhiên, so với yêu cầu, thì hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế. Ủy ban chưa tiến hành được nhiều cuộc giám sát để nâng cao hiệu quả của công tác này; việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra những hạn chế, yếu kém ít được thực hiện; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện đối với các kiến nghị giám sát vẫn chưa sát sao; việc đi sâu nghiên cứu giám sát việc giải quyết một số vụ việc cụ thể mà công dân có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo chưa thực hiện được nhiều. Hoạt động giám sát mới chủ yếu tập trung vào việc xem xét báo cáo công tác và chất vấn đối với người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hoạt động phối hợp có nơi, có lúc còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Có trường hợp, có Đoàn ĐBQH coi Ủy ban Tư pháp như cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo nên gửi vụ việc đến Ủy ban, yêu cầu Ủy ban xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả đến Đoàn ĐBQH. Tuy nhiên, các Ủy ban, các Đoàn ĐBQH đều là chủ thể giám sát và đều có quyền như nhau trong việc chuyển vụ việc, giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Tới đây, đề nghị tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban Tư pháp với các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực tư pháp. 

Các cơ quan tư pháp các cấp thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân và các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, quan tâm giải quyết kiến nghị của các cơ quan dân cử và các cơ quan khác chuyển đến. Các cơ quan tư pháp quan tâm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lã Thanh Tân: Bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm của cá nhân, cơ quan chậm trễ trong giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri

Hiện nay, hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được Đoàn ĐBQH lồng ghép trong các đợt giám sát, làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Đoàn cũng chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri khi có văn bản trả lời của các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là, Đoàn ĐBQH và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Thành phố chưa phối hợp tổ chức giám sát chuyên đề về việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền địa phương. Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc, có nơi chưa đầy đủ, kịp thời.

Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH chưa quy định trách nhiệm thông báo cho Đoàn ĐBQH được biết thời điểm chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri nên việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, nhất là việc giám sát về thời hạn giải quyết, trả lời theo quy định.

Nhằm đổi mới việc theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 29 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN để thuận lợi cho việc giám sát về thời hạn giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo quy định. Đồng thời, bổ sung quy định về chế tài xử lý trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị chậm trễ trong giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri.

Sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng quy định mở rộng hơn nữa quyền của ĐBQH trong công tác giám sát, cũng như trong việc đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong việc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương và có chế tài cụ thể quy định về hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại địa phương.

Tăng cường sự phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, Thường trực HĐND, UBND Thành phố và các cơ quan hữu quan trong công tác tổng hợp, chuyển, đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực: Nâng cao chất lượng nội dung tiếp xúc cử tri 

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH cho thấy, hình thức tiếp xúc cử tri còn hạn hẹp, còn có vướng mắc về việc phân công ghi ý kiến và tổng hợp ý kiến giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH và  MTTQ, ở nơi không tổ chức HĐND thì trách nhiệm tập hợp, tổng hợp và giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân là trách nhiệm của Mặt trận hay cơ quan nào?

Đề nghị cần nghiên cứu, phân định rõ trách nhiệm tập hợp, tổng hợp, phản ánh ý kiến của Nhân dân đến Đảng và Nhà nước với việc thu thập, tổng hợp và báo cáo ý kiến, nguyện vọng của cử tri qua việc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử đến cơ quan quyền lực Nhà nước cùng cấp theo hướng: Trách nhiệm thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cần quy về đầu mối của cơ quan thường trực Quốc hội, HĐND tập hợp, tổng hợp các phản ánh của đại biểu và báo cáo trước Kỳ họp. MTTQ cần tập trung vào nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân (các giai cấp, tầng lớp nhân dân) để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Và việc này phải làm thường xuyên, chứ không chỉ trước mỗi Kỳ họp Quốc hội, HĐND.

Trách nhiệm tổ chức tiếp xúc cử tri là của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố, của Thường trực HĐND và Tổ đại biểu HĐND các cấp, đề nghị ban hành Nghị quyết mới thay thế hoặc đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo nguyên tắc "một việc giao cho một cơ quan chủ trì".

Đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với hoạt động của đại biểu dân cử theo quy định tại Điều 27, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, để MTTQ có cơ sở thực hiện tốt hơn hoạt động giám sát đối với đại biểu dân cử; tăng cường giám sát hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, thiếu sót (nếu có), tìm hiểu nguyên nhân và kiến nghị biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH trong thời gian tới.

Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử theo hướng tăng cường cả chiều sâu và chiều rộng của nội dung tiếp xúc cử tri. Mặt trận cần chủ động phối hợp với các Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND xây dựng kế hoạch chi tiết như đối tượng mời được mở rộng, bảo đảm đủ đại diện thành phần cử tri theo quy định của pháp luật, định hướng nội dung chuyên sâu, bảo đảm thời gian và các điều kiện vật chất, phân công trách nhiệm, tiến độ thực hiện, truyền thông đầy đủ đến nhân dân trước, trong và sau các kỳ tiếp xúc cử tri… và triển khai kế hoạch để đại biểu thực hiện tiếp xúc cử tri qua các phương thức đạt hiệu quả nhất.

Xây dựng và hoàn thiện, thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp trong hoạt động giữa chính quyền (HĐND và UBND) với MTTQ; giữa các tổ chức thành viên trong MTTQ, trong đó có trách nhiệm cụ thể thực hiện việc cung cấp thông tin, phản ánh và xử lý thông tin về ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, các đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận. Hàng năm cần tổ chức đánh giá hiệu quả thực hiện cơ chế phối hợp để rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quan hệ phối hợp nếu việc thực hiện không đạt kết quả yêu cầu.

Hoàng Ngọc ghi