Sớm ban hành cơ chế, chính sách về giá dịch vụ

- Thứ Sáu, 15/03/2024, 08:37 - Chia sẻ

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố giai đoạn 2018 - 2023, đại diện một số đơn vị, địa phương kiến nghị, cần ban hành các cơ chế, chính sách về giá dịch vụ làm cơ sở cho các đơn vị sự nghiệp công lập sớm chuyển sang tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Đồng thời, giảm biên chế viên chức hưởng hương từ ngân sách.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc

Đi đầu thực hiện Đề án vị trí việc làm

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết, từ năm 2017 - 2020, UBND thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý. UBND thành phố đã ban hành các Quyết định phê duyệt đề án vị trí việc làm cho toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương.

Về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, từ năm 2018 đến nay, thành phố đã ban hành được 16 định mức kinh tế kỹ thuật, 23 đơn giá. Trong đó, nổi bật là tham mưu trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4.7.2023 quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố. Dự kiến ban hành giá dịch vụ giáo dục chính thức và thực hiện từ năm học 2024 - 2025.  

Đối với kết quả sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn từ 2015 đến năm 2021, toàn thành phố đã sắp xếp giảm 280 đơn vị sự nghiệp (tỷ lệ giảm 10,1%) - không bao gồm các trường THPT, THCS, Tiểu học, Mầm non thành lập mới theo quy hoạch mạng lưới trường học), vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, thành phố chủ trương giải thể hoặc sáp nhập vào các đơn vị sự nghiệp công lập khác có chức năng, nhiệm vụ tương đồng...

Thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến hết ngày 31.12.2023 đã có tổng số 2.621 đơn vị được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp; yêu cầu về công khai, minh bạch trong tổ chức sắp xếp công việc, nhân sự, chi tiêu tài chính được thực hiện.

Xác định rõ nguyên nhân chậm ban hành định mức đơn giá

Từ những kết quả thực hiện các chính sách trong thời gian qua, UBND thành phố kiến nghị: Chính phủ phân cấp để thành phố được thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với “Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh”; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phân cấp để UBND thành phố được thành lập, sáp nhập, chia, tách đối với các trường cao đẳng nghề thuộc thành phố. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ điều chỉnh lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hướng dẫn việc xác định phần kinh phí ngân sách hỗ trợ do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không bảo đảm đủ chi thường xuyên (đặc biệt là các loại phí thuộc thẩm quyền của Trung ương). Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết về danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách trong lĩnh vực; quy trình, nội dung các bước trong việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu báo cáo tại buổi giám sát
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu báo cáo tại buổi giám sát

Đáng chú ý, đại diện lãnh đạo UBND quận Ba Đình, huyện Chương Mỹ kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định về quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập - nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ; chỉ đạo các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công do Nhà nước quản lý; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công... Đồng thời, cần ban hành các cơ chế, chính sách về giá dịch vụ làm cơ sở, hành lang pháp lý cho các đơn vị chuyển đổi sang tự chủ.  

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, các đơn vị sự nghiệp công lập chưa hoàn thành tự chủ cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan; xác định rõ nguyên nhân chậm ban hành định mức đơn giá thuộc theo thẩm quyền của thành phố hay thẩm quyền của các bộ, ngành. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ tham mưu hoàn thiện báo cáo; tổng hợp riêng thành một biểu về những vấn đề chưa có chủ trương thống nhất gửi tới Đoàn giám sát. 

Thịnh An