Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo

- Thứ Năm, 04/08/2022, 05:26 - Chia sẻ

Đánh giá cao những kết quả tích cực bước đầu của Quảng Ninh trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý để duy trì và phát triển kinh tế biển, đảo ngày càng bền vững, gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển, đảo quốc gia. 

Góp phần ngăn chặn suy thoái môi trường biển

Ngày 2.8 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và việc xây dựng dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia. 

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36 và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết như: Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23.4.2019 về phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển Quảng Ninh; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16.11.2020 về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo... 

Thống kê giai đoạn 2019 - 2021 cho thấy, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt 7.453,2 tỷ đồng, tăng bình quân đạt 16,7%/năm; du lịch và dịch vụ biển tuy chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, số lượng khách và nguồn thu đều sụt giảm, nhưng cơ sở hạ tầng lưu trú, dịch vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện, nâng tầm thương hiệu và cải thiện khả năng thu hút dòng khách du lịch cao cấp. Ngành thủy sản cũng phát triển cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến, bước đầu hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng được thương hiệu của một số nông sản chủ lực. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 21.300ha; tạo việc làm cho khoảng 53.679 lao động; giá trị tăng thêm kinh tế thuỷ sản theo giá cố định đạt 3.432 tỷ đồng chiếm 2,5% GRDP toàn tỉnh và 50,1% GRDP toàn ngành nông nghiệp của tỉnh.

Về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 5 khu kinh tế (2 khu kinh tế ven biển và 3 khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích trên 375.000ha; và 16 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích trên 17.000ha, là tỉnh có số lượng và quy mô khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước. Giai đoạn 2019 - 2021, tổng vốn đầu tư thu hút trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh đạt khoảng trên 89.000 tỷ đồng, trong đó riêng vốn thu hút FDI chiếm khoảng 94% tổng vốn thu hút FDI của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết 55-NQ/TW về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai, tổ chức nghiên cứu một số nguồn cung cấp điện mới có tiềm năng, thúc đẩy thu hút đầu tư xây dựng, khai thác điện gió. Giai đoạn 2021 - 2030, Quảng Ninh sẽ nghiên cứu đề xuất điện gió trên bờ, gần bờ vào hoạt động, hướng tới tổng công suất 2.000MW. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, tìm các nguồn vật liệu khác như đất đá thải mỏ than, sản phẩm nạo vét luồng lạch, đất đá dư thừa trong quá trình thi công san hạ mặt bằng các dự án xây dựng để thay thế việc khai thác cát tại các khu vực biển...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, kinh tế biển, đảo Quảng Ninh đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế được ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW như: phát triển du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác hải sản; phát triển công nghiệp ven biển, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển… Những kết quả đạt được đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng bền vững, qua đó ngăn chặn suy thoái môi trường biển, phát huy các giá trị di sản; ngành du lịch tiếp tục phát triển, khẳng định thương hiệu, vị thế của Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Tuy nhiên, với tiềm năng lợi thế vô cùng lớn khi có trên 6.000km2 mặt biển, trên  2.700 hòn đảo lớn nhỏ, cùng với giá trị nổi bật của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vườn Quốc gia Bái Tử Long… thì những kết quả đạt được của Quảng Ninh đã tương xứng với tiềm năng hay chưa là câu hỏi được một số thành viên Đoàn công tác đặt ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thăm mô hình nuôi cấy ngọc trai tại Vân Đồn, Quảng Ninh
Ảnh: Thành Trung

Càng nhiều lợi thế, công tác quy hoạch càng phải chặt chẽ

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong phát triển kinh tế biển, đảo của Quảng Ninh như: còn tình trạng mất cân đối về cung cấp dịch vụ lưu trú chất lượng cao trong phát triển du lịch và dịch vụ biển, nhất là ở vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô; tỷ lệ đóng góp GRDP của kinh tế hàng hải chưa cao, doanh thu dịch vụ cảng biển, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp còn thấp; đầu tư cho phát triển thủy sản còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa cân đối bảo đảm nguồn lực ngân sách đầu tư theo mục tiêu đề ra…

Thừa nhận thực tế này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành cho biết, để khai thác tốt tiềm năng và lợi thế, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua. Trong đó đã xác định “Phát triển bền vững kinh tế biển” là một trong những đột phá của tỉnh; xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, một động lực phát triển của Vùng và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - ven biển dạng dải. Quy hoạch không gian ven biển, ven bờ (ven đảo lớn) cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh. Đồng thời, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng để phát triển du lịch bền vững…

Đồng tình với định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, cần phải có một quy hoạch chung đồng bộ, thống nhất bảo đảm giữa khai thác và bảo tồn, giữa khai thác và an ninh quốc phòng, phát triển bền vững. Nếu phát triển các ngành kinh tế mà không theo thứ tự ưu tiên trong Nghị quyết số 36 hoặc không theo một logic để xử lý những vướng mắc, chồng chéo trong ngành kinh tế trong quá trình thực hiện thì khi triển khai quản lý sẽ rất khó khăn. Do đó, càng có lợi thế thì công tác quy hoạch càng phải bảo đảm chặt chẽ, khoa học, vừa phải phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh về biển đảo vừa phải giữ vững an ninh, quốc phòng và đặc biệt là phải bảo tồn được hệ sinh thái tự nhiên.

Từ thực tiễn làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến việc xây dựng Quy hoạch Không gian biển quốc gia; đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu để tiến tới hoàn thiện dự thảo Quy hoạch báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Quảng Ninh cần tiếp tục nghiên cứu, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý để duy trì và phát triển kinh tế biển, đảo và các nội dung phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững, gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng và chủ quyền biển, đảo quốc gia. 

Thành Trung