Kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946-6.1.2024)

Phát huy những bài học của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

- Thứ Bảy, 06/01/2024, 10:22 - Chia sẻ

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

1. Cuộc Tổng tuyển cử lập ra Quốc hội đầu tiên vừa là thành quả to lớn, vừa là yêu cầu cấp bách của việc xây dựng và hoàn thiện một Nhà nước cách mạng. Quốc hội ra đời trong khói lửa đấu tranh gian khổ của toàn dân tộc với ý chí bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và đại đoàn kết toàn dân là một thành công, một thắng lợi vĩ đại, do đó và vì thế nó có ý nghĩa là một Quốc hội lập quốc (lập nên một Nhà nước Công - Nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á).

2- Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong thời khắc nhân dân ta vừa thoát khỏi kiếp nô lệ của cả nghìn năm phong kiến và gần trăm năm thuộc địa, đế quốc Pháp lại đang gây chiến, hòng cướp nước ta, đô hộ dân ta một lần nữa. Trong điều kiện ấy mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hạ quyết tâm Tổng tuyển cử và Tổng tuyển cử đã thắng lợi to lớn, vang dội - một sự kiện hiếm có trong lịch sử cách mạng thế giới. Điều này khẳng định rằng, Đảng với dân là một (ý Đảng - lòng Dân). Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tin tưởng vào ý chí, nguyện vọng độc lập dân tộc và sự đồng lòng nhất trí của toàn dân tộc ta tuyệt đối tin tưởng vào sự chèo lái, lãnh đạo tài trí của Đảng và Bác kính yêu, đặc biệt là trong những lúc tình thế hiểm nghèo, “ngàn cân treo sợi tóc” như bối cảnh của cuộc Tổng tuyển cử. Một sự kiện đó là khi Việt quốc và Việt cách gây căng thẳng và mưu đồ lật đổ Chính phủ cách mạng, Quốc hội đã chấp thuận cho 70 người (50 người của Việt quốc và 20 người của Việt cách) là đại biểu Quốc hội không qua bầu cử, nhưng như đã dự tính trước, chính họ đã tự đào thải họ, chỉ ít lâu sau số đông trong số họ đã chạy theo giặc hoặc đào nhiệm nên đã bị Quốc hội truất quyền đại biểu. Việt quốc chỉ còn duy nhất một người trong số 50 người đủ tư cách đại biểu. Những đại biểu do dân bầu ra, tuyệt đại bộ phận đã xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, đã rất mẫn cán trong công tác và chiến đấu vô cùng dũng cảm. Một số đại biểu đã hy sinh anh dũng trước họng súng quân Pháp như: Lý Chính Thắng, đại biểu Sài Gòn - Chợ Lớn; Thái Văn Lung, đại biểu Gia Định; Nguyễn Văn Luyện, đại biểu Hà Nội; Nguyễn Văn Tố, đại biểu Nam Định (Trưởng ban đầu tiên của Ban thường trực Quốc hội, nay là Ủy ban thường vụ Quốc hội); Lê Thế Hiếu, đại biểu Quảng Trị; Trần Kim Xuyến, đại biểu Bắc Giang; Nguyễn Văn Triết, đại biểu Thủ Dầu Một; Huỳnh Bá Nhung, đại biểu Rạch Giá; Siểng, dân tộc Khơme, đại biểu Biên Hòa...

3- Quốc hội đầu tiên là Quốc hội độc lập dân tộc, Quốc hội thống nhất đất nước và là Quốc hội đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã bao hàm khá đầy đủ các đại biểu cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đại diện cho hầu hết các thế hệ những người Việt Nam yêu nước từ già chí trẻ, các giai tầng xã hội; nam, nữ, công nhân, nông dân, nhân sĩ, trí thức, các doanh nhân, các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ, các tôn giáo (Thiên chúa giáo, Phật giáo, Cao đài...), các dân tộc (Mường, Tày, Nùng, Thái, Mèo, Ba na, Cơ tu, Ra đê, Ê đê, Gia rai, Khmer, Hán...). Quốc hội còn bao gồm những người không đảng pháivà những người của các đảng phái chính trị, xã hội khác nhau, những người vốn là quan lại của chế độ cũ... Bài học đại đoàn kết có thể coi là bài học cơ bản, xuyên suốt từ khi Đảng ta ra đời, được phát huy cao độ trong Tổng tuyển cử và được nhân rộng cho đến tận bây giờ và chắc chắn còn mãi mai sau.

4- Cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi là một mốc son đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của cách mạng Việt Nam nói chung, của công tác tổ chức và cán bộ nói riêng. Điều đó đã mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta - một thời kỳ có Quốc hội, có Chính phủ thống nhất, có một bản Hiến pháp tiến bộ và có cả một hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, có đầy đủ cơ sở pháp lý đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội cũng như đối ngoại. Nhà nước được quốc dân giao phó cho những nhiệm vụ cực kỳ nặng nề là điều hành đất nước, kháng chiến, kiến quốc và bang giao trên trường quốc tế.

5- Cũng như bài học đại đoàn kết, sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng là bài học thực tế có tính nguyên tắc và vĩnh cửu. Đảng đã dựa hẳn vào dân, bắt rễ sâu trong lòng dân tộc, do đó đã đáp ứng được khát vọng độc lập dân tộc, tự do, dân chủ của nhân dân. Với lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh và thông qua Mặt trận Việt Minh, một tổ chức rộng lớn do chính Đảng tổ chức và lãnh đạo, do đó Đảng vẫn giữ vững và phất cao ngọn cờ lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi khó khăn, không quản ngại hy sinh gian khổ, thực hiện Tổng tuyển cử thành công. Từ đó đến nay, Đảng ta vẫn thường xuyên, liên tục phát huy, nâng cao ý nghĩa và giá trị tốt đẹp của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, vận dụng vào những cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa sau này. Gần đây nhất là Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20.6.2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Điểm 4 của Chỉ thị nhấn đậm việc chỉ đạo công tác nhân sự - công tác cán bộ: “Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”. Sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Đảng trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan dân cử đủ mạnh, đủ hiệu lực và hoạt động có hiệu quả cao trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

-----
(1) Báo Sự Thật, số ra ngày 10.1.1946

#