- Một năm trôi qua với không ít khó khăn, thử thách. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Xã hội ngày càng cao hơn, khối lượng công việc ngày càng nhiều lên, các nhiệm vụ phát sinh đột xuất, thậm chí chưa từng có tiền lệ, cũng trở thành trạng thái “bình thường mới”. Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội trong nước dần hồi phục và đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. An sinh xã hội được quan tâm chú trọng. Mặc dù vậy, đất nước vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức: một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường… làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân.
Trong bối cảnh đó, Ủy ban Xã hội đã chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan liên quan, nghiên cứu, tham mưu với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác lập pháp, hoàn thiện thể chế chính sách về lĩnh vực xã hội, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nhằm góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, đến nay, Ủy ban đã bảo đảm hoàn thành những nhiệm vụ theo kế hoạch cũng như những nhiệm vụ phát sinh đột xuất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra.
- Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan cũng đã chủ động, linh hoạt, đổi mới phương thức hoạt động, sáng tạo trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ như: làm việc từ xa; tổ chức các kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến để xem xét, cho ý kiến, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết bảo đảm tiến độ, chất lượng, thực hiện có hiệu quả chương trình công tác, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh. Đến nay, những kết quả về kinh tế - xã hội có thể đánh giá là khá toàn diện và có được kết quả này phải kể đến đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ, sự chung tay chung sức, đồng bộ của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự đồng thuận, đồng lòng của Nhân dân.
Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường nhằm quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách, bảo đảm tính kịp thời, thể hiện sự linh hoạt và quyết tâm của Quốc hội và sự đồng hành cùng Chính phủ. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp số 30/2021/QH15 nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó dành 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người sử dụng lao động, trong đó có Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 23.3.2022 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống. Tiếp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, sau khi hết thời hạn thực hiện việc chi trả cho người lao động vẫn còn một số người lao động chưa được hưởng, Ủy ban đã chủ động yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo và đã đôn đốc Bộ, các cơ quan liên quan sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các dự thảo Nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bảo đảm được tính cấp bách, kịp thời theo yêu cầu thực tiễn. Đây là sự ứng phó chủ động, linh hoạt của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và cùng với đó là sự đồng hành, phối hợp rất chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Xã hội.
- Như bà vừa chia sẻ ở trên, chặng đường mà Ủy ban đã đi qua không hoàn toàn bằng phẳng. Bà có thể nêu một số ví dụ nhằm minh hoạ cho những thử thách, khó khăn mà Ủy ban phải vượt qua trong quá trình thực hiện nhiệm vụ?
- Chẳng hạn, đối với Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nếu theo dõi cả quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, có thể thấy khó khăn, thử thách đặt ra với Ủy ban đến tận phút cuối cùng trước thời điểm Quốc hội thông qua Luật này. Với 8 nhóm điểm mới, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Hay đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), theo dự kiến ban đầu, Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV nhưng Quốc hội quyết định lùi thời điểm thông qua Luật này sang Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khóa XV vào đầu năm 2023. Đây là luật xương sống của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế và trong quá trình Quốc hội thảo luận dự thảo Luật này vẫn còn ý kiến khác nhau về một số nội dung của dự thảo Luật, do đó, Ủy ban kiến nghị cần xem xét thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật.
Các Luật, Nghị quyết thuộc lĩnh vực do Ủy ban phụ trách được Quốc hội thông qua đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp 2013; thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
- Nhìn lại những khó khăn thử thách đã vượt qua, bài học kinh nghiệm rút ra với Ủy ban là gì, thưa bà?
- Khi đối diện với khó khăn, thử thách, chúng ta thường không biết liệu bản thân có thể vượt qua được không. Nhưng khi vượt qua rồi, chính những khó khăn, thử thách đó cho chúng ta biết rằng giới hạn là do con người tự đặt ra. Chính vì thế, càng khó khăn, thử thách, chúng ta càng phải nỗ lực hơn. Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV tương đối đặc biệt, mở ra với nhiều thách thức đan xen với cơ hội, đòi hỏi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải luôn chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ để hoạch định và ban hành các chính sách đột xuất, đặc thù nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách đang đặt ra. Sự đoàn kết, đồng lòng, hợp tác của cơ quan hữu quan, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cũng có ý nghĩa rất quan trọng giúp bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra, đưa đất nước vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn để “về đích” trong thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm, 10 năm. Với những gì Ủy ban và các cơ quan khác của Quốc hội đã làm được trong năm qua, có thể khẳng định rằng, đoàn kết làm nên sức mạnh và khi có sự chung sức, hợp tác, chúng ta có thể đạt được những điều tuyệt vời.
- Xin cảm ơn bà!