Chuyên gia kinh tế TRẦN HỮU HIỆP:
Đi đến cùng vấn đề
Nhìn tổng thể, phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ngày 5.11 diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Người chất vấn đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, gây bức xúc trong xã hội như xăng dầu, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, tiêu cực trong chính công tác thanh tra… Phía người trả lời chất vấn nhìn chung đã nắm được vấn đề; thể hiện thái độ không né trách nhiệm với những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực mình phụ trách; có tinh thần cầu thị tiếp thu; đưa ra được giải pháp cho những vấn đề nóng.
Nhiều giải pháp Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra mới mang tính định hướng. Điều này rất cần thiết, song cùng với đó cần rõ giải pháp cụ thể, rõ ràng hơn để có cơ sở thực hiện, đánh giá, giám sát. Chẳng hạn, để tăng tỷ lệ tài sản thu hồi sau thanh tra, tránh thất thoát thì liệu có thể áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp tạm thời, thay vì phải đợi đến khi ra tòa không, vì khi đó tài sản còn đâu? Hay Tổng Thanh tra thừa nhận bộ máy vừa thiếu vừa yếu, khi bộ máy chỉ có 408 cán bộ, công chức nhưng số lượng trực tiếp làm công tác thanh tra chỉ hơn 200 người, vậy cách nào để thay đổi cũng chưa rõ. ..
Một điểm đặc biệt là ngoài Thanh tra Chính phủ, các tỉnh, thành thì ngành nào cũng có lực lượng thanh tra, thậm chí ở từng cơ quan, đơn vị cũng có lực lượng thanh tra nhân dân. Nếu có giải pháp để tận dụng hết các lực lượng này, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng lực lượng vừa thiếu vừa yếu như hiện nay.
Tôi mong rằng, sau phiên chất vấn này, Tổng Thanh tra Chính phủ cùng các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục đi đến cùng vấn đề. Về phía Thanh tra Chính phủ sẽ cụ thể hóa các giải pháp, bảo đảm kỳ họp tới, những vấn đề bức xúc, hạn chế, yếu kém dần được khắc phục. Về phía Quốc hội sẽ tiếp tục vai trò giám sát chặt chẽ, bảo đảm các giải pháp đề ra được triển khai trên thực tế!
TS. LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:
Tăng giám sát hoạt động thanh tra
Tôi cơ bản đồng tình với các giải pháp mà Tổng Thanh tra Chính phủ nêu ra tại phiên chất vấn hôm qua, trong đó có vấn đề về xây dựng, củng cố đội ngũ thực thi nhiệm vụ.
Như Tổng Thanh tra khẳng định, cán bộ trong ngành cơ bản thực hiện đạo đức công vụ nhưng vẫn còn bất cập. Theo đó, vẫn còn tình trạng cán bộ thanh tra gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp để vụ lợi cá nhân, thậm chí còn dễ dãi, giao lưu ăn uống với chính đối tượng thanh tra. Việc sớm ban hành quy chế hoạt động của đoàn thanh tra là rất cần thiết và phải công khai quy chế đó, để cả phía đoàn thanh tra lẫn đối tượng bị thanh tra hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thanh tra cần tiến hành thường xuyên, liên tục để đáp ứng được yêu cầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát với hoạt động thanh tra, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân; khi cán bộ thanh tra làm chưa đúng, phải rõ chế tài xử lý.
TS. TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME):
Chú trọng lấy ý kiến doanh nghiệp
Theo dõi phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, điều dễ nhận thấy là kể cả người hỏi và người trả lời đều cố gắng phân tích một cách chính xác nhất bối cảnh, tình hình thực tế để từ đó tìm ra phương cách, giải pháp tốt nhất.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã đưa ra các giải pháp về mặt định hướng đã trúng vấn đề, điển hình như việc lập quy chế hoạt động của đoàn thanh tra để ngăn chặn sai phạm trong đạo đức công vụ. Nguyên tắc hoạt động của thanh tra là phải tuân thủ tuyệt đối tính khách quan, chính xác, công khai, đúng nội dung, đối tượng và bảo đảm nguyên tắc dân chủ. Việc có một quy chế cụ thể được công khai sẽ giúp cho các chủ thể liên quan hiểu được rõ quyền hạn, trách nhiệm của mình, hạn chế tính áp đặt từ phía đoàn thanh tra vốn là một thực tế phổ biến ở Việt Nam. Qua đó, các đối tượng bị thanh tra với tư cách là chủ thể yếu thế hơn sẽ có thêm một công cụ pháp lý để tự bảo vệ mình.
Một giải pháp nữa được Tổng Thanh tra nêu ra là tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện kết luận của thanh tra. Đây là giải pháp rất quan trọng, ngăn chặn trường hợp cán bộ thanh tra và đối tượng bị thanh tra bỏ qua cho nhau, thỏa thuận với nhau, thậm chí là bao che các hoạt động vi phạm pháp luật. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ tác động tích cực lên môi trường kinh doanh của Việt Nam, vì sẽ bảo vệ được các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Tôi mong rằng, các giải pháp Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra sẽ sớm được triển khai có hiệu quả. Trong các giải pháp đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong thanh tra đóng vai trò tiên quyết. Muốn vậy, cần coi trọng và đề cao việc lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, đặc biệt là các tổ chức đại diện doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các chính sách đó có hiệu lực, hiệu quả.
Ông NGUYỄN VĂN THANH, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
Sớm công bố kết quả thanh tra xăng dầu
Theo dõi phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ ngày hôm qua, tôi tin không chỉ tôi mà rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải sẽ mừng với việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra lĩnh vực xăng dầu. Đây là vấn đề đang rất “nóng”, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp.
Xăng dầu là lĩnh vực quản lý trực tiếp của Bộ Công thương. Mặc dù Bộ đã lý giải nguyên nhân khan hiếm xăng dầu cục bộ và khẳng định bảo đảm được nguồn cung trong nước, song tình trạng khan hiếm này cần phải được thanh tra làm rõ. Kết quả thanh tra cần sớm được công bố, làm rõ lý do thực sự là gì, đó là cơ chế, chính sách hay do thực thi. Trên cơ sở đó, phải đề ra giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu. Nếu không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng từ vụ việc xăng dầu, tôi cho rằng, tới đây ngành thanh tra cần đổi mới công tác hoạt động. Thanh tra là hoạt động rất cần thiết trong quản lý nhà nước, bảo đảm cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra lành mạnh, song có lẽ tới đây nên tập trung thanh tra một số lĩnh vực nổi cộm, được người dân quan tâm thay vì dàn đều các lĩnh vực.
Quản lý nhà nước, bao gồm hoạt động thanh tra nên theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, chỉ cho họ cách làm tốt hơn. Và bởi thế, bên cạnh việc phát hiện sai phạm, xử lý thì cũng cần biểu dương doanh nghiệp làm tốt.