Những ánh sao khuê:

Nhà yêu nước và cách mạng Bồ Xuân Luật: Cả đời vì đại đoàn kết dân tộc

- Thứ Hai, 12/09/2022, 05:56 - Chia sẻ

NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bồ Xuân Luật là một chính khách, một nhân vật cả đời gắn bó với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất, đóng góp quan trọng vào việc củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt là vào thời điểm Nhân dân ta vừa giành được độc lập.

Bồ Xuân Luật sinh năm 1907 tại tổng Di Chế, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu (nay là xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ), tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nông dân. Lớn lên, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt lên Lạng Sơn làm lính thợ.

Theo ông kể, đầu tháng 9.1940, Nhật tiến vào Đông Dương, đánh chiếm Lạng Sơn gây áp lực với thực dân Pháp, buộc Pháp phải chấm dứt việc vận chuyển vũ khí, đạn dược và các nhu yếu phẩm cho Chính phủ của Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu.

Ông tham gia trong đội hình hành quân số 5 của lục quân phát xít Nhật đối với khoảng 500 quân vũ trang của Việt Nam Kiến quốc quân, gọi tắt là Phục quốc quân do Trần Trung Lập làm Tổng Tư lệnh, thuộc tổ chức Việt Nam Phục quốc đồng minh Hội.

Sau khi chiếm được Lạng Sơn, quân Nhật tước vũ khí của quân Pháp và trao số vũ khí tước được cho Phục quốc quân. Ông cùng đồng đội là những lính thợ người Việt đều gia nhập Phục quốc quân. Quân số của Phục quốc quân lúc này đã lên tới 1.500 người. Phục quốc quân thành lập Chính phủ lâm thời tại Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Bất mãn với cách ứng xử của Nhật, Bồ Xuân Luật cùng một số đồng chí của mình chuyển sang hoạt động cho Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Cách.

Tháng 3.1944, Việt Cách tổ chức “Hải ngoại đại biểu Đại hội” tại Liễu Châu, Trung Quốc. Đại hội có mời đại biểu của Việt Minh tham dự. Và chính tại Đại hội, Bồ Xuân Luật “có hạnh phúc lớn là lần đầu tiên được tiếp xúc với Hồ Chí Minh - đại biểu của Việt Minh. Cuộc gặp gỡ định mệnh đó đã giúp tôi đến với Người. Và Người đã dìu dắt, giúp đỡ tôi trở thành người con hữu ích cho dân tộc, cho đất nước”.

Tháng 8.1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh gửi các đoàn thể Việt Nam ở nước ngoài, Bồ Xuân Luật cùng một số cán bộ Việt Cách trẻ tuổi, có tinh thần yêu nước và cách mạng, tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố mang theo vũ khí về nước, hoạt động tại chiến khu Bắc Sơn theo sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh.

Sau Cách mạng tháng Tám, theo sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh, ông được điều từ Lạng Sơn về Hà Nội và được phân công phụ trách Trường quân chính Hưng Yên.

Khi đó, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời bị bao vây tứ phía. Chính quyền cách mạng còn non trẻ đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Hơn một tuần sau lễ Độc lập, ngày 11.9.1945 bốn quân đoàn với 20 vạn binh lính của Tưởng Giới Thạch do tướng Lư Hán cầm đầu đã kéo vào miền Bắc, chiếm giữ hầu hết các vị trí then chốt, trọng yếu về quân sự, kinh tế, đầu mối giao thông đến tận vĩ tuyến 16.

Núp sau đoàn quân đó là các đảng phái, tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài kéo về cấu kết với lực lượng phá hoại trong nước nhằm lật đổ chế độ mới. Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) do Vũ Hồng Khanh làm Đảng trưởng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội (Việt Cách) do Nguyễn Hải Thần làm Hội trưởng đã tụ hợp bọn phản động người Việt sống lưu vong trên đất nước Trung Hoa về nước. Trên đường tiến quân vào Việt Nam bọn Tàu Tưởng đã giúp Việt Quốc chiếm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Bạch Hạc, Vĩnh Yên; giúp Việt Cách chiếm Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Đình Lập, Quảng Yên, Hồng Gai. Ở Hà Nội, hai tổ chức phản động này đặt trụ sở treo cờ, hiệu riêng, xuất bản báo chí, in tiền giả, in truyền đơn dùng loa phóng thanh nói xấu, vu khống chính quyền cách mạng. Chúng tổ chức các lực lượng khủng bố, bắt cóc tống tiền, gây rối loạn xã hội, đe dọa, ám sát những người ủng hộ chính quyền cách mạng...

Trước tình hình phức tạp đó, Hồ Chủ tịch điều gấp Bồ Xuân Luật về Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới.

Đối phó với Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 23.10.1945 Bồ Xuân Luật cùng Đinh Chương Dương, Lê Tùng Sơn, Trương Trung Phụng với tư cách là những thành viên của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội nhận đứng ra tổ chức Hội nghị với đại diện của Việt Minh là các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi) và Dương Đức Hiền. Hai bên cùng nhau ký Bản tuyên ngôn đoàn kết nhằm khẳng định lập trường kiên quyết ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, đồng thời lên án các hoạt động hại dân, hại nước của Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt...

Với việc làm yêu nước đó, các đảng phái phản động coi Bồ Xuân Luật là “phần tử phản bội”, là đối thủ nguy hiểm và tìm cách diệt trừ ông. 9 giờ sáng ngày 19.12.1945 chúng đã bắn ông trọng thương ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Ông được đưa vào nhà thương Đồn Thủy để cấp cứu. Bác sĩ Vũ Đình Tụng đã trực tiếp mổ, cứu sống ông. Ngay sau khi biết tin trên, Hồ Chủ tịch đã giao nhiệm vụ cho Trung ương Vệ Quốc Đoàn bảo vệ ông.

Cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên của nước ta được tổ chức vào ngày 6.1.1946. Bồ Xuân Luật ứng cử tại Hưng Yên và trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I. Ngày 2.3.1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp. Khi Trung ương điều ông Huỳnh Thiện Lộc từ Nam Bộ ra làm Bộ trưởng, ông sẵn sàng nhận chức Thứ trưởng, giúp đỡ ông Lộc. Ngày 3.11.1946, ông được phân công giữ chức Bộ trưởng không bộ (nay là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ).

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng Chính phủ lên Việt Bắc. Tháng 7.1948, nghe tin Bộ trưởng Bồ Xuân Luật ốm, Bác Hồ viết thư hỏi thăm: “Tôi nghe nói chú yếu. Tiếc vì xa xôi, tôi không đến thăm chú được. Tôi gửi một chai mật ong để chú dùng. Và rất mong chú chóng khỏe. Tôi gửi lời thăm thím và hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng. Hồ Chí Minh”.

Bồ Xuân Luật suốt đời phấn đấu theo con đường mà Hồ Chủ tịch đã định: độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Giữ nhiều cương vị quan trọng trong Quốc hội, trong Mặt trận, ông luôn thể hiện là một cán bộ lãnh đạo mẫn cán, cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư, gắn bó mật thiết với Nhân dân, chăm lo cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc nở hoa, kết trái.

Ông là Ủy viên Thường vụ Quốc hội liên tục bốn khóa (từ Khóa I đến Khóa IV), góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Với 48 năm tham gia vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Mặt trận dân tộc thống nhất: Là một trong 27 sáng lập viên, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) ngày 29.5.1946; Ủy viên Ban Thư ký các Khóa I, II, III của Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập ngày 10.9.1955 khi đất nước còn tạm thời bị chia cắt); là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các Khóa I, II, III khi thống nhất các tổ chức Mặt trận trong phạm vi cả nước, ông đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Ghi nhận công lao đóng góp của ông, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.