Nghị quyết 30 - Cơ sở pháp lý kịp thời, đúng đắn trong phòng chống dịch Covid-19

- Thứ Bảy, 07/01/2023, 07:05 - Chia sẻ

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15. Theo ĐBQH NGUYỄN THỊ THU DUNG (Thái Bình), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, Nghị quyết là cơ sở pháp lý về cơ chế, chính sách, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn trong phòng, chống dịch Covid-19.

- Sau gần 1,5 năm triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết 30) cùng với nhiều giải pháp khác, bà đánh giá nghị quyết này đã mang lại những hiệu quả gì trong thực tế?

Nghị quyết 30 - Cơ sở pháp lý kịp thời, đúng đắn trong phòng chống dịch Covid-19 -0

- Có thể khẳng định, Nghị quyết 30 là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương được thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, có thể khác với pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định trong pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.

Việc ban hành Nghị quyết 30 được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Sau gần 1,5 năm kể từ khi Nghị quyết 30 ra đời và được triển khai một cách khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được nhiều thành tựu, đất nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Nhờ có Nghị quyết, Chính phủ đã linh hoạt khi thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Biện pháp này được áp dụng mạnh mẽ trong bối cảnh mới xuất hiện dịch, chưa có nhiều thông tin khoa học liên quan tới virus SARS-CoV-2, chưa có vaccine phòng dịch cũng như thuốc điều trị đặc hiệu và trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam.

- Không chỉ là quyết sách quan trọng trong phòng, chống dịch, Nghị quyết 30 còn được xem tạo động lực, dư địa cho Chính phủ thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?

- Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ tử vong/ca mắc giảm mạnh từ 3,1% (tháng 8/2021) xuống 0,38% (tháng 10/2022), GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Từ Nghị quyết 30, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản tương đối cụ thể, bám sát thực tiễn, đề xuất các giải pháp, biện pháp sáng tạo, thiết thực nhằm hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân, doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Để người dân yên tâm, vững tin, đồng tình với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đặc biệt, một số địa phương đã chủ động ban hành những chính sách hỗ trợ riêng từ nguồn lực địa phương nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Từ khi được ban hành, Nghị quyết 30 được triển khai khẩn trương cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm kiểm soát dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Nhờ có Nghị quyết 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp đó còn ban hành và triển khai rất nhiều chính sách cụ thể, hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19.

- Vậy những hạn chế, vấn đề tồn tại trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30 là gì, thưa bà?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại đã được Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội chỉ rõ như việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly có lúc, có nơi còn lúng túng, tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa thống nhất; công tác duy trì, quản lý việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch và phối hợp giữa các lực lượng có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ; người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn chủ quan, lơ là; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn chưa tốt.

Bên cạnh đó, với việc tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch Covid-19, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19 được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15, song báo cáo của Chính phủ chưa phân tích, đánh giá cụ thể việc thực hiện nội dung này theo 2 Nghị quyết nêu trên.

Từ việc đánh giá "mặt được" và "chưa được" qua quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta mới có thể tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để chúng ta làm tốt hơn nữa công tác dự báo, năng lực quản lý, điều hành, ứng phó linh hoạt,  phù hợp, hiệu quả với các bệnh dịch, tình huống khẩn cấp trong tương lai.

- Xin cảm ơn bà!

Vũ Quang thực hiện
#