So với các bộ, ngành khác, phần lớn đều được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước "đa ngành, đa lĩnh vực" với phạm vi rộng lớn, thì Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có vị trí, vai trò đặc biệt hơn cả. Đây là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với mọi cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Với chức năng, nhiệm vụ đặc thù như vậy, KTNN có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước, quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công, giúp Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.
Vì thế, nội dung các chất vấn của đại biểu Quốc hội với lĩnh vực kiểm toán đều rất tập trung và gói gọn trong phạm vi "kiểm tra tài chính nhà nước": Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động KTNN; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Trong đó, nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động KTNN.
Cơ bản vướng ở khâu tổ chức thực hiện
Một trong những kết quả nổi bật, đó là trong năm 2023, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của KTNN gửi Quốc hội trước thềm phiên chất vấn, tính đến ngày 31.12.2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 31.719,05 tỷ đồng, đạt 92%; kiến nghị khác là 30.566,16 tỷ đồng, đạt 83%. Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm 10.302,89 tỷ đồng.
Đây là những con số rất đáng ghi nhận mà 10 ý kiến trên tổng số 35 đại biểu chất vấn đều khẳng định.
Khá ấn tượng với kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhất là việc thực hiện các kiến nghị tài chính, song theo ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh), cũng còn khá nhiều kiến nghị của KTNN chưa được thực hiện và kéo dài qua nhiều năm. Trong đó, với kiến nghị tài chính, tính đến ngày 31.12.2023 còn 67.513 tỷ đồng chưa được thực hiện; kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách còn 172 nội dung văn bản chưa được sửa đổi; kiến nghị về trách nhiệm tập thể, cá nhân còn 115 báo cáo kiểm toán có kiến nghị chưa được thực hiện.
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, có 4 nhóm nguyên nhân dẫn đến các kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện, trong đó khoảng 59,46% thuộc về đơn vị được kiểm toán, 24% thuộc về bên thứ ba, 16% thuộc về nguyên nhân khác và 0,4% thuộc về kiểm toán.
Về trách nhiệm, Tổng KTNN khẳng định, trước hết thuộc về các đơn vị được kiểm toán. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong số những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương, kỷ luật tài chính nói chung, ngoài nguyên nhân do vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức, thì cơ bản là vướng ở khâu tổ chức thực hiện. Cụ thể là ý thức, tinh thần trách nhiệm; trình độ, năng lực; tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm; vai trò người đứng đầu; và công tác phối hợp.
Về giải pháp, dưới giác độ của KTNN, "trong thời gian tới chúng tôi sẽ quyết tâm, quyết liệt để nâng cao chất lượng kết luận kiến nghị kiểm toán, làm sao kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong quá trình thực hiện", Tổng KTNN nêu rõ. Cùng với đó, KTNN sẽ tăng cường đôn đốc việc công khai và thực tế đã công khai đầy đủ danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kết luận kiểm toán trên trang web của KTNN. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan. Riêng với đơn vị được kiểm toán, Tổng KTNN đề nghị: Phải phát huy vai trò của người đứng đầu, vì thực tiễn cho thấy, "ở đâu người đứng đầu có quan tâm, có quyết tâm thì ở đấy tỷ lệ thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán sẽ đạt như mong muốn".
Lý giải kỹ hơn về con số "0,4% thuộc về kiểm toán" và giải pháp khắc phục tình trạng chậm thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán (chất vấn của ĐBQH Nguyễn Danh Tú - Kiên Giang), Tổng KTNN nêu rõ, bên cạnh lý do kiến nghị kiểm toán chưa khiến đơn vị được kiểm toán "tâm phục, khẩu phục" và họ đang khiếu nại theo quy định của pháp luật, thì cũng có những kết luận, kiến nghị kiểm toán "đúng nhưng không thể thực hiện được" và do đơn vị chưa thực hiện.
Nguyên nhân của những kiến nghị kiểm toán đến nay "không thể thực hiện được", Tổng KTNN cho biết những lý do khách quan, như đơn vị phải thực hiện đã giải thể, phá sản đối với các pháp nhân, còn đối với các thể nhân thì có thể do họ đã về hưu, chết, hoặc mất tích. Đây cũng là một trong những tồn tại, hạn chế của Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành. Và, hiện KTNN đang tiến hành tổng kết việc thi hành Luật này theo chỉ đạo tại Nghị quyết 19-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình xây dựng văn bản pháp luật toàn khóa, đồng thời, rà soát 33 văn bản pháp luật có liên quan.
Đối với trường hợp pháp nhân đã giải thể, phá sản, hoặc thể nhân đã chết, mất tích, để thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước về thuế, phí, trong Luật Quản lý thuế đã có quy định, nhưng Luật Kiểm toán Nhà nước chưa có. Chỉ rõ thực tế này, Tổng KTNN cho biết, sắp tới, sẽ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước, trong đó cần bổ sung một điều quy định cụ thể thế nào là "đã thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán", và hy vọng tình trạng nêu trên sẽ được khắc phục.
Đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc lĩnh vực chuyên môn được giao, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn là tinh thần bao trùm trong phần trả lời chất vấn của Tổng KTNN.
Có hiện tượng vòi vĩnh, nhưng "rất ít"
Mạch lạc trong xác định nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; rõ ràng trong xác định trách nhiệm; và cụ thể trong giải pháp khắc phục, qua phần trả lời của Tổng KTNN, nhiều vấn đề trong lĩnh vực kiểm toán tài chính nhà nước đã được làm rõ ngay tại nghị trường.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) rằng, mặc dù có nhiều cố gắng của toàn ngành, nhưng đâu đó vẫn có những hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán, mà phổ biến là khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì vòi vĩnh, "gợi ý chia chác" khoản tiền sai phạm để bỏ qua sai phạm theo phương châm "đôi bên cùng có lợi"; Tổng KTNN "khẳng định và thừa nhận là có nhưng rất ít", và đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Quan điểm của ngành kiểm toán là: Kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức, chuẩn mực của KTNN!
Hay, với chất vấn của ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) về việc tại sao vừa qua tại một số dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu, Tổng KTNN nêu rõ, đối tượng của KTNN trong trường hợp này là kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công theo quy định tại Điều 4, Luật Kiểm toán Nhà nước. Và cũng theo quy định tại Điều 55 của Luật này, thì đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công, cụ thể là 12 nhóm đơn vị là đơn vị kiểm toán.
Vậy tại sao trong thời gian vừa qua, có một số vụ án lớn liên quan đến việc đấu thầu, cụ thể là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu? Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn thẳng thắn: Đây là hai doanh nghiệp không có vốn nhà nước nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán nhà nước. Còn xét về giác độ đơn vị có liên quan, hai doanh nghiệp này liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công với tư cách là nhà thầu, thì trách nhiệm của KTNN là kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và Ban quản lý dự án. Và trong quá trình kiểm toán, KTNN đã thực hiện cả 3 nội dung: thứ nhất là đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; thứ hai là đánh giá, xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong thực hiện, trong đấu thầu, trong đầu tư xây dựng cơ bản; thứ ba là xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công. Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là Ban quản lý dự án và chủ đầu tư cung cấp, thì KTNN tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho việc kết luận của mình về tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính.
Riêng về vấn đề lựa chọn nhà thầu, KTNN sẽ xem xét việc chấp hành gói thầu có đúng không; hồ sơ thầu như thế nào; chấm thầu ra sao; và việc ký kết hợp đồng với nhà thầu. Nêu rõ quy trình này, Tổng KTNN cũng khẳng định, trong quá trình kiểm toán, KTNN đã chỉ ra được những sai sót và có kiến nghị xử lý, từ xử lý tài chính đến hoàn thiện văn bản và đặc biệt xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong khoảng thời gian không dài, chỉ hơn 2 tiếng của buổi sáng, toàn bộ 35 câu chất vấn và một ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội đã được Tổng KTNN trả lời một cách ngắn gọn, thẳng thắn và trách nhiệm với sự tham gia trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (về nội dung nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập và chất lượng quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm).
Có thể có đại biểu chưa hoàn toàn hài lòng với phần trả lời của Tổng KTNN, nhưng rõ ràng, qua phiên chất vấn, cử tri và Nhân dân quan tâm đến hoạt động của lĩnh vực kiểm toán - một trong những công cụ quan trọng giúp Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, đã hiểu thêm về những kết quả đạt được cũng như một số tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành.
Và, như tổng kết của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đó là Tổng KTNN đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.