Mở ra cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp

- Thứ Ba, 19/09/2023, 06:19 - Chia sẻ

TS. TÔ HOÀI NAM - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Hoạt động của doanh nghiệp gần đây có nhiều khởi sắc nhưng nhiều khó khăn vẫn đang bủa vây, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hy vọng Diễn đàn sẽ có những phát hiện mới giúp tạo đột phá trong hoạch định chính sách chiến lược, từ đó mở ra cơ hội mới cho phát triển.

Khó khăn đã bớt nhưng thách thức vẫn rất lớn

Hoạt động của doanh nghiệp gần đây có nhiều khởi sắc. Minh chứng là từ tháng 5.2023, trị giá xuất khẩu đã tăng dần. Tháng 8, xuất khẩu hàng hóa đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Cũng trong tháng này, cả nước có hơn 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3%; số vốn đăng ký 135,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6%; số lao động đăng ký 79,9 nghìn người, tăng 1,2% so với tháng 7.2023.

Anh Tô Hoài Nam

"Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Điều này thể hiện thông điệp rõ ràng trong định hướng hoạch định chính sách với mục tiêu phát huy những lợi thế, năng lực và các yếu tố nội tại mà Việt Nam có thể chủ động kiểm soát, can thiệp để gia tăng thế mạnh trong phát triển kinh tế ở giai đoạn tới".

Những chỉ dấu trên phần nào cho thấy doanh nghiệp đã vơi bớt khó khăn, nhất là về thị trường, nhưng thách thức vẫn rất lớn. Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy, cùng với vấn đề về tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu, có tới 25% hội viên gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất với mức 0,5 - 2%/năm. Tuy nhiên, đến 30.6.2023, cung tiền M2 mới tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, đồng nghĩa việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp. Vòng quay tiền cũng chậm khi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,67 lần, trong khi thời kỳ tốt đạt trên 1.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gặp rào cản từ các quy định liên quan và từ khâu thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức. Tình trạng trì trệ, không dám làm, sợ trách nhiệm đâu đó vẫn tồn tại, khiến doanh nghiệp phải kéo dài thời gian để được giải quyết thủ tục, thậm chí làm triệt tiêu cơ hội của doanh nghiệp…

Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp rất cần được mổ xẻ nghiêm túc trên nhiều khía cạnh, từ chính sách pháp luật, từ năng lực thực thi của cơ quan nhà nước và từ chính doanh nghiệp. Đó là trông đợi của cộng đồng doanh nghiệp, cũng là đòi hỏi thực tiễn đối với Diễn đàn Kinh tế - Xã hội lần này. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn Quốc hội sẽ tiếp tục có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.

Chính sách thiết thực để phát huy nội lực doanh nghiệp

Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Chủ đề này đã thể hiện thông điệp rõ ràng trong định hướng, hoạch định chính sách với mục tiêu phát huy những lợi thế, năng lực và các yếu tố nội tại mà Việt Nam có thể chủ động kiểm soát, can thiệp để gia tăng thế mạnh trong phát triển kinh tế ở giai đoạn tới.

Định hướng này có lẽ được xuất phát từ những yếu tố tích cực nội sinh bên trong nền kinh tế, từ vị thế chính trị đang lên của Việt Nam và cả uy tín, cũng như sự trưởng thành của cộng đồng doanh nghiệp. Sự lựa chọn chủ đề như vậy cũng rất liền mạch với nhiều chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ trong thời gian gần đây, đang được triển khai và bước đầu phát huy tác dụng tích cực. Hướng đi này hoàn toàn phù hợp!

Phần lớn doanh nghiệp nước ta có quy mô vừa và nhỏ. Một số yếu tố nội sinh cơ bản của doanh nghiệp là nhân lực, vốn, công nghệ và cả sự đúng đắn trong hoạch định các kế hoạch kinh doanh, các hoạt động khác phù hợp với chính sách kinh tế... Như vậy, các chính sách tài khóa, tín dụng, thương mại, đầu tư, lao động, việc cải thiện thủ tục hành chính... đều tác động rất quan trọng đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hệ thống chính sách này phải được thiết kế sao cho thiết thực, phù hợp với thực tế của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, chính sách pháp luật cần được hoàn thiện để ngoài kênh ngân hàng phải mở ra cơ chế phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán minh bạch và an toàn; tạo điều kiện cho các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần và các mô hình hoạt động fintech. Đồng thời, xem xét sửa đổi cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính như Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ đổi mới khoa học công nghiệp…

Cùng với đó, tiếp tục khai thông thị trường, kích thích tiêu dùng trong nước, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, quan tâm nhiều hơn tới lao động, việc làm… Đây là những vấn đề cần được triển khai đồng bộ và nhanh chóng. Như vậy sẽ giúp phát huy được nội lực của khối doanh nghiệp, qua đó phát huy nội lực của cả nền kinh tế!

Doanh nghiệp hy vọng Diễn đàn sẽ có những phát hiện mới để mở ra những đột phá trong việc hoạch định chính sách chiến lược trung và dài hạn cho Việt Nam, kể cả những vấn đề khó khăn nhất về mặt kỹ thuật trong cơ cấu nền kinh tế và xã hội. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển đầy tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

#