Dư âm Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV:

Minh bạch, dân chủ, ngày càng gần dân

- Thứ Bảy, 18/06/2022, 05:04 - Chia sẻ

Một trong những đổi mới của Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV là tăng gần gấp đôi thời lượng và số lượng các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp với 19 phiên họp, tương ứng với 62 giờ. Các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có Báo Đại biểu Nhân dân đã liên tục cập nhật các phiên làm việc của Quốc hội, phản ánh ý kiến của đại biểu Quốc hội đến với cử tri và nhân dân. Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, chính điều này đã góp phần quan trọng đưa Quốc hội đến gần với cử tri và nhân dân hơn, thể hiện sự minh bạch, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, qua đó, tăng cường sự giám sát của cử tri và nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai):
3 dấu ấn nổi bật

Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV được tổ chức họp tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội, thể hiện thành quả đáng tự hào của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Quốc hội. Kỳ họp rất thành công, thể hiện ở tất cả các mặt từ công tác chuẩn bị, điều hành, thảo luận, tranh luận cho đến tiếp thu, giải trình và thông qua. Có thể rút ra 3 điểm nổi bật như sau: 

Thứ nhất, sôi nổi trong thảo luận, tranh luận. Sự sôi nổi này thể hiện ở cả 19 tổ. ĐBQH, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội cho đến các phiên họp toàn thể, từ các nội dung lập pháp cho đến giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Nhiều đại biểu Quốc hội lần đầu tham gia Quốc hội, tuy trẻ về tuổi đời nhưng đã tự tin, thể hiện quan điểm, chính kiến rất xác đáng và có lẽ cũng rất “già” trong phát biểu, tranh luận. Điều này có vai trò rất quan trọng ở sự điều hành của chủ tọa các phiên họp, rất đúng quy định, ngắn gọn, rõ ràng nhưng lại linh hoạt, hiệu quả, vừa có tính gợi mở nhưng lại vừa có tính chốt vấn đề giúp đại biểu Quốc hội thêm tự tin phát biểu, tranh luận, đặc biệt là sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong các phiên chất vấn.

Thứ hai, đây có lẽ là lần đầu tiên Quốc hội quyết định tới 5 dự án quan trọng quốc gia trong cùng một kỳ họp, không chỉ tăng cường hạ tầng giao thông cho một số địa phương, một số vùng trọng điểm mà còn mở ra một không gian phát triển mới cho các vùng, không chỉ giúp cho quá trình phục hồi và phát triển trong ngắn hạn mà còn tạo lập nền tảng cho sự phát triển dài hạn. Với sự quan trọng đặc biệt đó, dù tài liệu rất nhiều, tiếp cận gấp, nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng rất chia sẻ với Chính phủ nên đã tập trung nghiên cứu tài liệu, thảo luận dân chủ, thấu đáo. Quốc hội không chỉ quyết định chủ trương đầu tư mà còn trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế đặc thù, đặc biệt, đặc cách để các dự án sớm được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Thứ ba, thể hiện sự minh bạch, dân chủ và ngày càng gần dân. Kỳ họp này, Quốc hội đã tăng gần gấp đôi thời lượng và nội dung truyền hình trực tiếp, với 19 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Báo Đại biểu Nhân dân và các cơ quan báo chí khác liên tục cập nhật các phiên làm việc của Quốc hội, phản ánh ý kiến của đại biểu Quốc hội đến với cử tri. Việc này đã góp phần quan trọng đưa Quốc hội gần dân hơn, thể hiện sự minh bạch của Quốc hội và thông qua đó, tăng cường sự giám sát của cử tri và nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, trong các kỳ họp tới, tôi đề nghị việc gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội cần đúng với thời gian luật định để chúng tôi có

thể nghiên cứu và đưa ra thêm nhiều ý kiến sâu sắc hơn.

ĐBQH Trương Xuân Cừ (TP. Hà Nội):
Kỳ họp ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng cử tri, nhân dân

Nội dung, chương trình nghị sự của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nghiêm túc, từ sớm, từ xa, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội rất chất lượng, mang tính phản biện cao. Kỳ họp đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như: chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1)... Đây đều là những dự án lớn, nhằm chú trọng đầu tư những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, lan tỏa, có ý nghĩa quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.

Giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành là chuyên đề giám sát rất đúng, trúng và xứng tầm, nêu ra nhiều vấn đề phải giải quyết, khắc phục trong công tác quy hoạch như: quy hoạch treo; phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch, việc thực hiện quy hoạch còn chậm tiến độ, quy hoạch chồng chéo, thường xuyên điều chỉnh quy hoạch… Sau giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Tôi cũng đánh giá cao trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến phát biểu, chất vấn, tranh luận hết sức sâu sắc. Các đại biểu không ngại va chạm, thẳng thắn chỉ ra vướng mắc, bất cập. Số lượng đại biểu đăng ký qua mỗi phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn đều rất đông, nhờ đó không khí nghị trường cũng trở nên sôi nổi, hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Các chủ tọa điều hành phiên họp hết sức nghiêm túc, dân chủ, kịp thời. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn dắt các đại biểu Quốc hội tập trung hỏi ngắn gọn, rõ ý, đúng trọng tâm câu hỏi chất vấn. Đối với những vấn đề các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chưa rõ ý, Chủ tịch Quốc hội đã nhanh chóng điều chỉnh, nhấn mạnh lại nội dung mà Bộ trưởng, trưởng ngành cần phải làm rõ. Nhờ đó, Kỳ họp thứ Ba tiếp tục là một kỳ họp ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng cử tri, nhân dân, đặc biệt là ấn tượng đối với sự quyết liệt, sắc sảo, có kiến thức chuyên môn sâu rộng của Chủ tịch Quốc hội. 

ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương):
Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch 

Kỳ họp thứ Ba là kỳ họp đầu tiên Quốc hội Khóa XV họp tập trung, không phải làm việc các ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhiều đại biểu khác cũng đánh giá cao việc này và ghi nhận Tổng Thư ký Quốc hội đã sắp xếp trình Quốc hội dự kiến Chương trình Kỳ họp rất khoa học, hợp lý.

Các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát, chất vấn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, ý kiến góp ý sắc sảo, có trách nhiệm. Điều hành của Đoàn Chủ tịch cũng như tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoa học, kịp thời. Đây là kỳ họp có số lượng các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều nhất từ trước đến nay để người dân có điều kiện theo dõi các hoạt động của Quốc hội nhiều hơn, bảo đảm các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và nhân dân.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Qua theo dõi việc tổ chức thi hành pháp luật, tôi nhận thấy, một số luật đã phát sinh vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện, trong đó vướng nhất là việc thực thi Luật Đất đai. Điều này cũng làm phát sinh nhiều vấn đề khác. Ngoài ra, khi tham gia công tác tư pháp, tôi cũng nhận thấy, nhiều vụ án kinh tế, dân sự, hình sự có nguyên nhân xuất phát từ vấn đề đất đai, thậm chí tình trạng đạo đức xuống cấp cũng có nguyên nhân từ đất đai. Tất nhiên, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đất đai cần thực hiện thận trọng nên Quốc hội đã quyết định sẽ xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong 3 kỳ họp. Trong chương trình hành động ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này, nên sẽ tích cực nghiên cứu, lấy ý kiến cử tri, từ đó góp ý hiệu quả hơn cho quá trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đất đai. 

Hoàng Ngọc – Trung Thành – Thanh Hải thực hiện