Không phát sinh thêm thủ tục, quy trình và điều kiện bắt buộc
Nêu quan điểm tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần bảo đảm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện giao dịch điện tử, không làm phát sinh thêm thủ tục, quy trình và điều kiện bắt buộc.
Bảo đảm tính toàn vẹn của các giao dịch
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử hiện hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, giao dịch điện tử là một phương thức để thực hiện giao dịch, nên cần bảo đảm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện, không làm phát sinh thêm thủ tục, quy trình và điều kiện bắt buộc, ví như, đã giao dịch điện tử lại đòi hỏi phải xuất trình bản giấy thì không hợp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, khi chuyển đổi các giao dịch bằng văn bản giấy sang môi trường số phải bảo đảm tính đầy đủ, toàn vẹn của các giao dịch đã được quy định trong pháp luật hiện hành, bảo đảm đầy đủ các điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, quản lý được giao dịch điện tử như quản lý được với giao dịch bằng hình thức văn bản giấy.
Đi vào các điều khoản cụ thể của dự thảo luật, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt lưu ý tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn chứng, Điều 29, dự thảo Luật quy định về dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đang được quy định bởi Danh mục 4, Phụ lục của Luật Đầu tư. Do đó, nếu bổ sung quy định như dự thảo Luật thì phải thống nhất với quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục 4, Luật Đầu tư.
Liên quan đến quy định thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, Khoản 2, Điều 11, dự thảo Luật quy định: “trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được chứng thực bởi tổ chức, cá nhân khởi tạo thông điệp dữ liệu hoặc một tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, quy định này mở rộng hơn nhiều so với quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể, Luật 2005 chỉ quy định về chứng thực chữ ký điện tử. Việc dự thảo luật bổ sung quy định về chứng thực thông điệp dữ liệu, tức là đã bao gồm cả chứng thực về hợp đồng điện tử. Theo quy định hiện hành về chứng thực, quy định này trong dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu hiện hành như đối với chứng thực văn bản giấy.
"Pháp luật hiện hành quy định chứng thực hợp đồng giao dịch gồm cả chứng thực năng lực, hành vi dân sự và ý chí tự nguyện của các bên. Đây là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm giá trị pháp lý của chứng thực. Trong khi đó, dự thảo Luật mới tập trung chứng thực các yếu tố về kỹ thuật, chưa đáp ứng yêu cầu về chứng thực về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện của các bên”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Mặt khác, dự thảo Luật bổ sung quy định tổ chức, cá nhân khởi tạo dữ liệu có thể chứng thực hợp đồng điện tử, khi mà pháp luật hiện hành chỉ thừa nhận chủ thể chứng thực là cơ quan có thẩm quyền, tức là cá nhân khởi tạo hợp đồng không thể tự mình chứng thực hợp đồng đó. Điều này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, quy định này sẽ thay đổi nội dung pháp luật có liên quan đến chứng thực.
Không thay đổi nội dung các luật đã có
Nhấn mạnh nguyên tắc bất di bất dịch khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử không được làm thay đổi nội dung các luật đã có, không được dùng luật này để sửa đổi, bổ sung, thay đổi nội hàm các luật khác đã quy định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thẳng thắn, nếu sai nguyên tắc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình và Quốc hội không đồng tình.
Ngay trong quy định của dự thảo Luật về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật chỉ đặt ra quy định về người khởi tạo thông tin, dữ liệu, thời điểm, địa điểm gửi, nhận thông tin dữ liệu, những vấn đề liên quan đến yếu tố kỹ thuật của việc trao đổi trong giao dịch điện tử, mà chưa có quy định về thay đổi, rút lại hoặc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng điện tử… Như vậy sẽ không bảo đảm giao dịch điện tử được thực hiện một cách an toàn, thuận lợi, chặt chẽ. Nếu ký kết hợp đồng giao dịch điện tử mà không thể hủy bỏ được, không thể thay đổi như hợp đồng bằng văn bản giấy thì người dân sẽ không sử dụng, vì không phù hợp với thực tế. Chuyển sang giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải bảo đảm đầy đủ các công đoạn của một hợp đồng như văn bản giấy, quy định này cũng phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Do vậy, cơ quan soạn thảo phải rà soát thêm. “Văn bản giấy quy định những điều kiện gì, thì hợp đồng điện tử cũng phải bảo đảm các điều kiện tương ứng như vậy”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định về hợp đồng điện tử có liên quan đến chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự, do vậy cần rà soát kỹ những yếu tố trong hợp đồng điện tử chưa thống nhất với chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự. Cân nhắc làm rõ các giai đoạn giao kết hợp đồng điện tử; điều kiện để hợp đồng điện tử có hiệu lực; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng điện tử và các trường hợp hợp đồng điện tử vô hiệu.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát, bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là: phải bảo đảm giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ giao dịch điện tử, tạo thành tố để chuyển đổi môi trường thực sang môi trường số. Rà soát bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác; quy định để dẫn chiếu, kết nối các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thống nhất giữa Luật Giao dịch điện tử và các luật pháp, như pháp luật về tố tụng, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai; cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhất là luật hóa các quy định trong các nghị định đã áp dụng hiệu quả thời gian qua, đảm bảo hiệu lực thi hành của luật.