Không để "nước đến chân mới nhảy"!

- Thứ Năm, 23/03/2023, 06:12 - Chia sẻ

Nêu quan điểm về vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh, đây vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển cho nên phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% tổng nguồn vốn của năm 2023.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, trong đó nêu rõ cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn. Bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhằm dẫn dắt, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước, tạo các động lực phát triển, cực tăng trưởng mới, đồng thời bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng, miền.

Ngoài Nghị quyết này, mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành lập các tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Các tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương... Đặc biệt, các tổ sẽ xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Vốn đầu tư công nếu được giải ngân đúng tiến độ sẽ góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội. Đồng thời giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội; tạo động lực, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối các địa phương, kết nối vùng. Ngoài ra, nguồn vốn này còn góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công đến nay vẫn là nhiệm vụ nặng nề, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, là vấn đề trăn trở kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài những yếu tố khách quan còn do các yếu tố chủ quan như các vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Nguyên nhân hết sức quan trọng nữa là vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ. Năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...

Bởi vậy, khi đã xác định được nguyên nhân và có giải pháp cụ thể, vấn đề còn lại là phải triển khai hiệu quả, không để "nước đến chân mới nhảy".

Hân Anh