Khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến người dân

- Thứ Tư, 28/02/2024, 11:08 - Chia sẻ

Năm 2024, các đoàn giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu tỉnh Phú Thọ sẽ thực hiện tốt công tác khảo sát thực tế, làm việc với các cơ quan, đơn vị, lắng nghe ý kiến nhân dân để phục vụ các cuộc giám sát. Cải tiến, đổi mới phương pháp, nội dung giám sát, khảo sát, kiểm tra theo hướng cụ thể, chuyên sâu. Tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện kết luận phiên chất vấn giải trình, các kiến nghị sau giám sát, các nghị quyết đã ban hành và ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Với phương châm coi giám sát là khâu trọng tâm, then chốt nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trong năm 2023, ngay từ khâu xây dựng chương trình giám sát, HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh Phú Thọ đã lựa chọn các nội dung lớn, có tính thời sự, tầm ảnh hưởng sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh. Nhờ triển khai, thực hiện nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch, kết quả giám sát đã chỉ rõ thực trạng và kiến nghị, đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách phù hợp cũng như có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra thực tế cơ sở khai thác đá tại xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ kiểm tra thực tế cơ sở khai thác đá tại xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn

Công khai kết quả giám sát để cử tri theo dõi, nắm bắt

Trong năm 2023, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành 25 cuộc giám sát chuyên đề với các nội dung quan trọng liên quan đến việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ tài nguyên; công tác cải cách hành chính; công tác bảo vệ, tu bổ di tích lịch sử văn hóa; các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Sau mỗi chuyên đề giám sát, các đoàn giám sát đã tổng hợp nội dung và ban hành thông báo kết quả. Trong đó, đánh giá rõ những việc đã làm được; nêu bật tồn tại, hạn chế và đưa ra những kiến nghị cụ thể, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu, thực hiện. Đáng chú ý, thông báo kết quả giám sát được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri, nhân dân trong tỉnh theo dõi, nắm bắt.

Từ 25 cuộc giám sát chuyên đề này, các đoàn giám sát đã kiến nghị trên 350 nội dung gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương, đơn vị liên quan giải quyết. Thường trực HĐND thường xuyên đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị sau giám sát và đề nghị UBND tỉnh có báo cáo việc triển khai thực hiện các kiến nghị sau giám sát trình tại kỳ họp gần nhất của HĐND tỉnh.

Bên cạnh giám sát chuyên đề, hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh cũng được chú trọng. Trong năm, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên họp để nghe một số nội dung liên quan đến công tác quản lý đất đai, quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền. Từ đó, nắm bắt, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác quản lý Nhà nước ở từng lĩnh vực. Đồng thời, tổ chức các cuộc làm việc với các sở, ngành, đơn vị, địa phương để nắm bắt thông tin, đánh giá hiệu quả của việc ban hành và thực hiện các nghị quyết, chương trình, chính sách, đề án lớn của tỉnh…

Khắc phục kịp thời vướng mắc trong thực tiễn

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Dương Hoàng Hương, HĐND tỉnh luôn xác định rõ giám sát chính là khâu then chốt, quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Do đó, yêu cầu đổi mới theo hướng thực chất, giám sát phải “đúng” và “trúng”, thiết thực, phù hợp thực tiễn của địa phương được coi trọng ngay từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát. Các nội dung được lựa chọn phải bảo đảm tiêu chí là nội dung lớn, có tính thời sự, tầm ảnh hưởng rộng trong phạm vi cả tỉnh, được đông đảo cử tri và đại biểu quan tâm. Đáng chú ý, trước khi thực hiện, những nội dung lớn, phức tạp sẽ được khảo sát trước để các thành viên đoàn giám sát nắm bắt rõ hơn tình hình thực tế. 

Nhờ định hướng ngay từ đầu, các nội dung giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND đã phản ánh được thực tiễn sự quan tâm, mong mỏi của cử tri. Đồng thời, bảo đảm tiêu chí không trùng lặp, chồng chéo nội dung, thời gian, đơn vị chịu sự giám sát. Việc triển khai giám sát nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch đã chỉ rõ những kết quả đạt được; xác định cụ thể tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Từ đó, đưa ra kết luận và kiến nghị, đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách phù hợp cũng như có giải pháp khắc phục hiệu quả những vướng mắc trong thực tiễn.  

Từ những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Dương Hoàng Hương cho biết: trong năm 2024, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; trong đó, cùng với nhiệm vụ trọng tâm ban hành các cơ chế, chính sách, hoạt động giám sát cũng sẽ được đặc biệt chú trọng. Góp phần quan trọng để toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm thực thi pháp luật tại địa phương; đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh phát huy hiệu quả.

“Các đoàn giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác khảo sát thực tế, làm việc với các cơ quan, đơn vị, lắng nghe ý kiến nhân dân để phục vụ các cuộc giám sát. Cải tiến, đổi mới phương pháp, nội dung giám sát, khảo sát, kiểm tra theo hướng cụ thể, chuyên sâu. Tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện kết luận phiên chất vấn giải trình, các kiến nghị sau giám sát, các nghị quyết đã ban hành và ý kiến, kiến nghị của cử tri”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh.

DIỆU THẢO