Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất

- Thứ Bảy, 06/08/2022, 06:23 - Chia sẻ

Sau 10 năm thực thi, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập. Do đó, theo các đại biểu dự Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức sáng qua, việc sửa đổi Luật này là rất cần thiết để bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Không ít hạn chế, bất cập

Trong phát biểu tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” sáng qua, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường nhấn mạnh, tại Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển, xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vừa phát huy vai trò của từng thành viên trong khu vực tư nhân, vừa tăng cường sức mạnh tập thể, cộng đồng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Hiện nay, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và các Nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành. Trong khuôn khổ pháp luật này, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có những chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân. 

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, khu vực kinh tế tập trung, hợp tác xã đã có chuyển biến tích cực, doanh thu, lợi nhuận tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/hợp tác xã, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013. 

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Bùi Thị Lý - Viện trưởng Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 trong 10 năm qua đã cho thấy không ít hạn chế, bất cập. Cụ thể, việc ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện pháp luật còn chậm trễ, thậm chí có văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện không đúng tinh thần của Luật. Ngoài ra, còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa quy định của Luật Hợp tác xã với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác. Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được hưởng chính sách “giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã theo quy định của Luật Đất đai”. Nhưng, Luật Đất đai năm 2013 không có quy định giao đất cho hợp tác xã để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, mà chỉ có quy định cho hợp tác xã thuê đất để thực hiện các hoạt động này.

Cũng trong Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện duy nhất của hợp tác xã (bao gồm cả Quỹ tín dụng nhân dân), nhưng Luật Các tổ chức tín dụng lại quy định người đại diện của Quỹ tín dụng có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc theo Điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân ban hành. Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định Nhà nước “bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng giữa hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác”, nhưng theo quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật thì một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ có doanh nghiệp được phép tham gia, hợp tác xã không được phép tham gia…

Nêu ra những bất cập này, một số đại biểu đề nghị, việc xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành là rất cấp thiết, góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Làm rõ hơn các quy định về vốn

Tham gia góp ý kiến với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức cho biết, đối với Điều 23 quy định về nội dung Giấy đề nghị đăng ký tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, cần xem xét, nghiên cứu bổ sung nội dung “vốn hoạt động” trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Bởi thực tế cho thấy, vốn điều lệ (tức vốn do các thành viên góp) của các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân là rất nhỏ. Điều này có thể gây trở ngại cho các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân khi tiến hành giao dịch với đối tác hoặc huy động vốn tín dụng. Trong khi đó, nguồn vốn được hình thành từ quỹ chung không chia và tài sản chung không chia khá lớn nhưng không được ghi nhận để thể hiện quy mô vốn của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. 

Ngoài ra, cần xem xét quy định về chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân tại Điều 16 dự thảo Luật. Quy định chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên chính thức và thành viên liên kết có thể dẫn đến thay đổi địa vị pháp lý của thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, tạo ra nhiều xáo trộn trong tổ chức và gây khó khăn cho tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân trong ghi nhận, cấp giấy chứng nhận góp vốn cũng như xem xét để xác nhận tư cách thành viên. Do vậy, quy định việc chuyển nhượng vốn góp của các thành viên cần được sự thông qua của Đại hội thành viên hoặc Hội đồng quản trị của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, cần xem xét đối với quy định tại khoản 3 điều này. Cụ thể “Trường hợp thành viên chính thức hoặc thành viên liên kết có góp vốn chuyển nhượng vốn góp cho thành viên liên kết không góp vốn thì tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân xem xét tư cách, xác nhận tư cách thành viên này trở thành thành viên chính thức”. Theo đó, để trở thành thành viên chính thức thì thành viên đó phải là hợp tác xã và số vốn góp nhận chuyển nhượng phải bảo đảm mức vốn góp tối thiểu theo quy định của Điều lệ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. 

Cũng theo một số đại biểu, cần thiết phải làm rõ hơn đối với tài sản chung không chia là “Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất” tại điểm a khoản 2 Điều 63 trong dự thảo Luật. Quy định này có thể dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc cho các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân khi thực hiện các thủ tục xin Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo cơ chế thị trường (thông qua đấu giá quyền sử dụng đất) chứ không theo cơ chế ưu đãi. Do đó, quy định này có thể dẫn đến việc hạn chế mục đích sử dụng hoặc hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng, sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn... của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

Theo chương trình, Quốc hội Khóa XV sẽ cho ý kiến lần đầu với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư tới đây và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2023). Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng và tính khả thi trước khi trình Quốc hội xem xét.

Bài và ảnh: Minh Trang