Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Hiệu quả là đích đến cuối cùng

- Thứ Ba, 02/08/2022, 06:07 - Chia sẻ

Nhấn mạnh hiệu quả là đích đến của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương lưu ý, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục rà soát 52 hành vi gây lãng phí trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để hoàn thiện Báo cáo của Bộ. Đặc biệt, phải chú trọng công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên số. Mọi cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này phải đi trước một bước mới bảo đảm không để thất thoát, lãng phí tài nguyên số.

Cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển

Bộ Thông tin và Truyền thông là một trong những Bộ có nhiều nỗ lực trong thực hành tiết kiệm chống, lãng phí, tích cực xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số. Tại cuộc làm việc sáng qua với Bộ về chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận, Bộ đã quan tâm quản lý, khai thác tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh tiếp tục được củng cố, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này. Việc thúc đẩy phát triển của công nghệ thông tin vô tuyến điện tại nước ta cũng giúp tiết kiệm được chi phí, tạo tiền đề cho băng thông rộng, internet tốc độ cao.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, công tác quản lý, khai thác kho số viễn thông đã thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước về việc mở cửa thị trường, thúc đẩy cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ viễn thông; thực hiện phổ cập viễn thông và internet trên phạm vi cả nước, thúc đẩy phát triển hạ tầng số, internet băng rộng góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số, từng bước hình thành xã hội thông tin; góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, khai thác hiệu quả kho số viễn thông theo tình hình thực tế tại nước ta và thông lệ thế giới đã góp phần tạo dựng cơ chế thị trường, giữ vững định hướng XHCN, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng sử dụng, đúng mục đích, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.  

Ghi nhận các kết quả đạt được, song, là một trong những Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thông tin, truyền thông - lĩnh vực khoa học, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, mọi cơ chế, chính sách của Bộ phải đi trước một bước, đi trước sự phát triển. Trong cuộc làm việc lần này cho thấy một trong những hạn chế được chính Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn thừa nhận là công tác ban hành, xây dựng và đề xuất ban hành một số văn bản pháp luật còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và theo kịp với thực tế phát triển của công nghệ; một số văn bản chưa đồng bộ với các văn bản chuyên ngành khác; công tác xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật một số lĩnh vực còn chậm… Điều này cũng gây ảnh hưởng đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, có năm, Bộ Thông tin và Truyền thông không ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chưa thống kê số liệu tiết kiệm trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự toán; định mức phân bổ có năm ban hành chậm, một số chi tiêu nội bộ chưa được rà soát, sửa đổi kịp thời.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông

Quá nhiều ứng dụng phần mềm sức khỏe có gây lãng phí?

Một yêu cầu nữa tại cuộc làm việc, đó là Bộ Thông tin và Truyền thông phải lượng hóa cho được kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai dẫn chứng, Bộ Thông tin và Truyền thông có nêu đã tiết kiệm được từ công tác quản lý nhà nước là 2.547 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần rà soát lại con số này, bởi phần lớn số tiền này có được là nhờ tăng phí sử dụng mã số viễn thông, dẫn tới tăng tỷ lệ điều tiết về ngân sách chứ không phải do tiết kiệm trong chi tiêu (?).

Đối với công tác quản lý về hoạt động quảng cáo trực tuyến và quản lý nền tảng xuyên biên giới, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, quảng cáo trực tuyến chiếm tỷ trọng lớn (năm 2018 tỷ trọng này chiếm 70%, đến nay tỷ lệ này đã tăng lên rất nhiều). Số thu hiện nay tập trung vào số tập đoàn lớn như Facebook, Google, Youtube… nhưng kiểm soát doanh thu và số thuế nhà nước thu về vẫn còn thấp, gây thất thoát nguồn thu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đặt vấn đề, việc thời gian qua có quá nhiều ứng dụng phần mềm về sức khỏe được cung cấp và triển khai, liệu có gây lãng phí không? Dù ứng dụng về sức khỏe là rất cần thiết, tuy nhiên Bộ nên có giải pháp định hướng, điều chỉnh để tiết kiệm, dễ sử dụng, tránh tình trạng mỗi cơ quan, địa phương có một ứng dụng riêng. Hay thực trạng sim rác vẫn phổ biến (một người sử dụng nhiều số điện thoại), gây lãng phí nguồn lực của xã hội trong khi trên thế giới nhiều quốc gia quản lý số điện thoại di động như số định danh cá nhân.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra những lĩnh vực còn lãng phí như, một số cơ sở nhà đất giao Bộ quản lý chưa được khai thác và sử dụng hết công năng, đó là cơ sở tại Hòa Lạc được hình thành từ dự án xây dựng Trung tâm công nghệ cao về công nghệ và truyền thông; 2 tòa nhà của Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng nhiều diện tích chưa được khai thác sử dụng.

Đối với việc cấp phép thông qua đấu giá đối với băng tần thông tin di động, đây là băng tần có giá trị thương mại cao, nhưng chưa thực hiện được đấu giá, bởi phải chờ ban hành Nghị định về đấu giá tần số, cũng là sự lãng phí được Đoàn giám sát của Quốc hội nêu ra. Hay, việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm so với yêu cầu đề ra. Hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Tình trạng mua sắm thiết bị nhưng không phát huy được tính năng khai thác, không đồng bộ với xây dựng phần mềm, đào tạo nhân lực cũng chính là chưa thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhấn mạnh hiệu quả là đích đến cuối cùng của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát 52 hành vi gây lãng phí trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để hoàn thiện lại Báo cáo của Bộ. Việc ban hành các nghị định, thông tư ban hành cần lượng hóa được hành vi tiết kiệm, hành vi vi phạm gây lãng phí, có chế tài khen thưởng và xử phạt. Bộ cũng cần bổ sung những đề xuất cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hệ thống pháp luật liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sứ mệnh quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông chính là chuyển đổi số quốc gia, công việc này có tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, vừa là tiềm lực cũng là nội lực để đất nước vươn mình trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cho nên, khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên số là trách nhiệm nặng nề của Bộ. Mong rằng qua giám sát, Bộ sẽ tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả hơn. Những vấn đề còn vướng mắc trong các Nghị định, Thông tư, trong chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ, nếu thấy thực tiễn đã kiểm nghiệm là đúng đắn, Bộ cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình giám sát, chứ không phải đợi đến khi kết thúc giám sát - Đó cũng là một trong những mục đích của chuyên đề giám sát tối cao quan trọng này.

Anh Thảo