Chuyên mục Những ánh sao khuê:

Giáo sư, Viện sĩ Lưu Hữu Phước - âm nhạc như lời hiệu triệu

- Chủ Nhật, 11/09/2022, 07:24 - Chia sẻ

NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một trí thức cách mạng nổi tiếng, tác giả của những bản hùng ca gắn bó mật thiết với các tầng lớp nhân dân ta trong suốt quá trình xây dựng chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đại biểu Quốc hội Khóa VI, VII; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục.

Cả đời gắn bó với đấu tranh giải phóng dân tộc

Lưu Hữu Phước là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam: là tác giả của “Thanh niên hành khúc” - bài hát chính thức của tổ chức thanh niên tiền phong, sau chính quyền Việt Nam cộng hòa sửa lời và chọn làm Quốc ca với tên “Tiếng gọi thanh niên”, và tác giả của “Giải phóng miền Nam” - bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và trở thành Quốc ca khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập.

Ông sinh ngày 12.9.1921 tại Cái Răng, quận Ô Môn, Cần Thơ. Thuở nhỏ, ông được cha cho đi học đàn dân tộc, sau đó ông tự học và chơi đàn Mandoline, guitar, tự nghiên cứu lý thuyết âm nhạc.

Cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, ông lên Sài Gòn học tại trường Petrus Ký. Những năm học ở trường, ông quen thân và trở thành những người bạn tâm giao với Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ. Bộ ba "Huỳnh - Mai - Lưu" đứng ra thành lập Câu lạc bộ học sinh của trường - nơi hội tụ những học sinh yêu nước. Cũng từ câu lạc bộ này, Lưu Hữu Phước bắt đầu sự nghiệp sáng tác, mở đầu là bài “La Marche des Étudiants” và cùng Mai Văn Bộ đặt lời tiếng Pháp để làm bài hát chính thức cho Câu lạc bộ.

Tốt nghiệp tú tài toàn phần, Lưu Hữu Phước ra Hà Nội theo học tại trường Đại học Y dược thuộc Đại học Đông Dương từ năm 1940 đến 1944. Vào thời điểm đó, do ảnh hưởng của phong trào Mặt trận bình dân ở Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, rồi Mặt trận Việt Minh, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở Việt Nam phát triển mạnh và lan rộng khắp ba miền. Lưu Hữu Phước sớm trở thành thủ lĩnh của phong trào và qua đó có điều kiện tiếp xúc với cán bộ Việt Minh, mở bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động yêu nước và cách mạng của mình.

Qua những chuyến đi “về nguồn” do Tổng hội Sinh viên tổ chức nhằm hun đúc tinh thần yêu nước cho học sinh, sinh viên, Lưu Hữu Phước với tài năng âm nhạc bẩm sinh đã liên tiếp cho ra đời hàng loạt ca khúc nổi tiếng, như “Non sông gấm vóc”, “Bạch Đằng giang”, “Ải Chi Lăng”, “Hồn tử sĩ”, “Hậu sông Gianh”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Lên đàng”... Những ca khúc đó được giới âm nhạc và các nhà sử học nước ta đánh giá là đỉnh cao của thể loại tác phẩm âm nhạc về đề tài lịch sử Việt Nam, đã góp phần hun đúc tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ vào thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm 1942, trong chuyến thăm đền Hùng, nhằm thức tỉnh sinh viên, học sinh từ bỏ mộng “bá vương”, từ bỏ ước vọng “học giỏi, đỗ cao” để làm quan cho thực dân Pháp, sẵn sàng "đáp lời sông núi", xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, Lưu Hữu Phước đã sửa phần lời từ tiếng Pháp sang tiếng Việt trong bài “La Marche des Étudiants” thành bài “Thanh niên hành khúc”. Năm sau, ngày 21.3.1943, vở ca kịch “Tục lụy” của ông được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong giới thanh niên, học sinh, sinh viên.

Năm 1944, Lưu Hữu Phước - Huỳnh Văn Tiểng và một số sinh viên miền Nam khác được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ trở về Nam vận động thanh niên tham gia các phong trào, các cuộc vận động yêu nước do Tổng bộ Việt Minh phát động. Theo lời kể của Huỳnh Văn Tiểng, “chỉ trong một đêm ba đứa chúng tôi (Huỳnh - Mai - Lưu) cùng Đặng Ngọc Tốt đã hoàn thành ba bài: “Mau về Nam”, “Xếp bút nghiên”, “Reo ánh sáng” để kịp thời cổ vũ phong trào bãi khóa, ra khỏi trường để hoạt động cách mạng”.

Phong trào “Xếp bút nghiên” mau chóng lan truyền khắp ba kỳ Bắc Trung Nam và sôi động cho đến Cách mạng tháng Tám.

Là nhạc sĩ đa tài, Lưu Hữu Phước đồng thời là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, nhà quản lý có kinh nghiệm và uy tín.

Sau ngày 23.9.1945 - ngày Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Lưu Hữu Phước được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Cục Xuất bản Nam Bộ. Tháng 5.1946, ông được điều ra Hà Nội chuẩn bị cho việc thành lập Nhạc viện Trung ương, và sau 4 tháng Nhạc viện đã ra đời (tháng 9.1946).

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, 19.12.1946, Lưu Hữu Phước cùng tập thể Hội Văn hóa Cứu quốc chuyển lên chiến khu Việt Bắc và được giao nhiệm vụ thành lập đội thiếu nhi tuyên truyền xung phong, sau đổi thành Đoàn nhạc kịch thiếu nhi kháng chiến thuộc Nhạc viện.

Năm 1950, ông được giao nhiệm vụ thành lập Trường thiếu nhi nghệ thuật và được bổ nhiệm làm Giám đốc. Cũng trong thời gian này, Lưu Hữu Phước cho ra đời hàng loạt tác phẩm lớn, như “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Đông Nam Á châu đại hợp xướng”, “Tuổi hai mươi”, “Henri Martin”...

“Người viết sử bằng âm nhạc”

Bước vào những năm kháng chiến chống Mỹ, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Để ghi nhận sự kiện trọng đại đó, bài “Giải phóng miền Nam” của ông đã ra đời vào cuối năm 1959, đầu năm 1960. Đây thực sự là một bản hùng ca, là lời hiệu triệu của Tổ quốc gửi tới mọi con dân đất Việt, là tiếng kèn xung trận khi Tổ quốc lâm nguy.

Tháng 2.1965, Lưu Hữu Phước được Trung ương cử đi Nam tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, được giới văn nghệ sĩ bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa. Mặc dù công việc quản lý nhà nước hết sức bận rộn, đặc biệt là trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh, song Lưu Hữu Phước vẫn không bỏ đam mê sáng tác. Những tác phẩm nổi tiếng ra đời trong những năm này, như “Dưới cờ vẻ vang của Đảng”, “Tình Bác sáng đời ta”, “Bài ca giải phóng quân”, “Giờ hành động”, “Hành khúc giải phóng”, “Xuống đường”, “Tiến về Sài Gòn”...

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, được bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa VI (1976-1981) và được Quốc hội cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục. Tiếp đó, ông tái trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa VII (1981-1986), được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục.

Cuộc đời và tác phẩm của Lưu Hữu Phước gắn chặt với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc. Nhiều người gọi ông bằng cái tên “người viết sử bằng âm nhạc”, là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Cuộc đời và tác phẩm của ông gắn bó với sự nghiệp đấu tranh của dân tộc và có sức cổ vũ to lớn đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên trong cuộc đấu tranh đó nhằm giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước.

Những ca khúc cách mạng của ông có tầm tư tưởng lớn, có giá trị nghệ thuật và lịch sử cao, khơi dậy những tình cảm thiêng liêng, nhắc nhở chúng ta không quên cội nguồn, không quên những người đã ngã xuống cho nền hòa bình hôm nay. Nói như nhạc sĩ Trọng Bằng: “Lưu Hữu Phước là một trong những cánh chim đầu đàn trong sự nghiệp xây dựng âm nhạc cách mạng Việt Nam. Cả đời anh gắn bó với đấu tranh giải phóng dân tộc, âm nhạc của anh đã có mặt trong những bước ngoặt quyết định vận mệnh của dân tộc”.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, cho nền âm nhạc Việt Nam, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật và Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.

Tháng 6.1989, Hội nghị lần thứ hai Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khóa III họp tại TP. Hồ Chí Minh để kiểm điểm, đánh giá tình hình công tác từ sau Đại hội III của Mặt trận, thảo luận về công tác Mặt trận, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lên diễn đàn trình bày về tình hình văn hóa - giáo dục qua gần 3 năm đổi mới.

Trình bày xong, ông cảm thấy mệt, khó thở. Tổ bảo vệ sức khỏe của Hội nghị kịp thời đưa ông đi cấp cứu. Do bệnh tình quá nặng, bị nhồi máu cơ tim, ông qua đời ngày 8.6.1989 cũng là ngày kết thúc Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khóa III, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Mặt trận, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta.

Nguyễn Túc