Giải pháp gì để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

- Thứ Năm, 09/06/2022, 05:30 - Chia sẻ

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau): Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy là thị trường sẽ đình trệ và người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn, trong khi đó thì mục đích quản lý của Nhà nước đó là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản và trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Với tư cách là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thì Thống đốc có giải pháp gì về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?

Giải pháp gì để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh -0

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Thị trường bất động sản bao gồm rất nhiều chủ thể và cũng thu hút được rất nhiều nguồn đầu tư khác và tín dụng là một kênh tham gia đầu tư về thị trường bất động sản. Trong rất nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đều có một chủ trương là đối với vốn tín dụng thì mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả và tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với lĩnh vực bất động sản rủi ro, đây là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng. Rủi ro mất vốn, rủi ro của tín dụng - đây là các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay khi khách hàng đủ điều kiện và phải bảo đảm khả năng trả nợ. Nhưng một rủi ro vô cùng quan trọng, đó là rủi ro về thanh khoản, vì bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn và kỳ hạn dài, trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Nếu các tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được, có thể có những thời điểm khách hàng đến rút tiền thì lại chưa đòi được những khoản nợ dài hạn. Chính vì như vậy, xuyên suốt trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro như vậy. Còn việc thực hiện cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản thì do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định nhưng trên cơ sở phải bảo đảm được an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng của mình và theo đó là của cả hệ thống.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang): Thị trường bất động sản đã, đang và dự báo có thể sẽ tiếp tục có biến động, tình trạng nhà đầu tư đầu tư đầu cơ đẩy giá đất lên cao bất thường trong cuộc đấu giá gây sốt ảo bất động sản, bong bóng giá nhà đất, làm lũng đoạn thị trường, dòng tiền đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản là rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Cho vay kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Trước thực trạng trên, Thống đốc sẽ đưa ra những công cụ, biện pháp gì toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn để quản lý, kiểm soát có hiệu quả hơn nguồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản?

Giải pháp gì để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh -0

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Thị trường bất động sản có những tài sản tăng giá, thổi giá như vậy sẽ liên quan đến các khoản vay có tài sản  bảo đảm. Trên thực tế, các tổ chức tín dụng khi cho vay thì có thể có tài sản bảo đảm bằng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi đã cho vay, các khoản vay có tài sản bảo đảm thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản bảo đảm để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó. Đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng cho vay có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đó ở những địa bàn giá bất động sản bong bóng và rất cao thì các tổ chức tín dụng cũng phải rất cẩn trọng trong vấn đề kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với lĩnh vực này.

Nguyễn Vũ ghi; Ảnh: Hồ Long