GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)

Đòi hỏi nhiều biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn

- Thứ Ba, 10/05/2022, 06:42 - Chia sẻ

Nêu rõ bạo lực gia đình đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ, nhiều ý kiến nhất trí việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình lần này nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách quan trọng

Tại Hội thảo khoa học “góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” sáng qua, các đại biểu cho rằng, vấn nạn bạo lực gia đình hiện đang có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trịvăn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Và một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên, theo các đại biểu, là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần được cụ thể và luật hóa trong sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình lần này.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được đánh giá là đạo luật mang tính nhân văn, bảo vệ các thành viên yếu thế như người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ có thai và các thành viên khác trong gia đình. Đồng thời duytrì truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, gắn với Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Khẳng định quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, trước hết việc sửa Luật phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng gia đình Việt Nam và phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. Đặc biệt là cụ thể hóa đầy đủ, chính xác nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay từ mỗi gia đình; bảo đảm thiết lập các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đồng thời, việc sửa đổi Luật lần này phải tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam; kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật hiện hành còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những vướng mắc, bất cập và bổ sung những vấn đề mới phát sinh.

t3-2.jpg -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội thảo
Ảnh: M. Trang

Phải mang tính toàn diện

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, chúng ta hiện đang xem xét dự thảo Luật dưới rất nhiều góc độ, và mỗi một “lát cắt” lại có một giải pháp tiếp cận khác nhau. Giá trị cuối cùng của việc sửa luật lần này là hướng đến gia đình hạnh phúc, nhưng rõ ràng để có được hạnh phúc và an toàn của các thành viên trong gia đình trước hết phải bảo vệ được quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình. Liên quan đến quy định cụ thể về vấn đề hòa giải, Ủy viên Thường trực Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, nếu vẫn giữ các giải pháp như dự thảo Luật hiện nay sẽ tương đối khó chấp thuận và nếu phân tích sâu hơn thì phải hướng đến sự phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn hành vi bạo lực ngay từ trong mỗi gia đình sao cho hiệu quả hơn. Do đó, ban soạn thảo cần cân nhắc thêm nội hàm quy định này để bảo đảm thực hiện đúng phương pháp tiếp cận là đặt sự an toàn của nạn nhân lên trên hết.

PGS. TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và pháp luật chỉ rõ, điều kiện bảo đảm là vấn đề then chốt quyết định đến việc triển khai và thi hành pháp luật. Điều 6 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn quy định khá chung chung về kinh phí cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Kinh phí dành cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác này đang được bố trí lồng ghép, nhiều địa phương không có mục chi về phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, nhiều nhiệm vụ không thực hiện được. Luật cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm cũng như biện pháp xử lý đối với người đứng đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế cho thấy, lực lượng này cần được thiết lập ở cộng đồng dân cư để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, TS. Trần Công Phàn, những quy định tại Khoản 2, Điều 30 và các quy định khác tại Mục 2, Chương III của dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu để bảo vệ toàn diện quyền của nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó có nhu cầu chính đáng của người bị bạo lực gia đình, nhất là phụ nữ và trẻ em. Việc bố trí nơi tạm lánh khi người bị bạo lực gia đình, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nếu họ có nhu cầu là cần thiết, nhưng ngược lại quy định này lại cho phép kẻ có hành vi bạo lực không phải chịu những điều kiện bất lợi do hậu quả hành vi gây ra. Vìvậy, cần nghiên cứu thêm để bảo đảm bình đẳng giới khi dự liệu quy định này.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, trong quá trình thẩm tra dự án Luật này có ý kiến cho rằng, ở khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật quy định “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều 4 cũng được áp dụng đốivới người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” là còn thiếu chính xác và thu hẹp phạm vi. Theo đó, cần làm rõ rằng, những hành vi này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của người đã ly hôn - như vậy mới có thể bảo vệ được những đối tượng này tránh khỏi bạo lực gia đình. Việc khắc phục tình trạng bạo lực gia đình đòi hỏi nhiều biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ cả về văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, pháp luật và phải mang tính toàn diện bởi phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình rất rộng.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội khẳng định, những đánh giá, đề xuất nêu ra rất thiết thực, sẽ giúp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở, thông tin tham khảo trong quá trình xem xét, cho ý kiến với dự án Luật tại Kỳ họp thứ Ba và thông qua tại Kỳ họp thứ Tư tới.

Minh Trang