Kéo dài độ tuổi nghỉ hưu
Trong phiên thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thống nhất với việc sửa đổi một số quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm thực hiện Kế hoạch số 81 ngày 5.11.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23.5.2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng lực lượng CAND tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân còn nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công an nhân dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an nhân dân; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
ĐBQH Lê Nhật Thành cho rằng, đề xuất này là có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Bởi thứ nhất, đối với nam sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tăng 2 tuổi, tương đương mức tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Thứ hai, đối với nữ: Hạ sĩ quan, sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 55 thì tăng 2 tuổi, trong khi đó, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định lao động nữ tăng 5 tuổi. Việc đề nghị tăng 2 tuổi của nữ Hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng Công an nhân dân. Đặc biệt, đối với cán bộ trực tiếp chiến đấu, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để tác chiến được trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh thì cần tiếp tục áp dụng hạn tuổi phục vụ cao nhất thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Cần văn bản quy định chi tiết về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn
Đối với nội dung tại điểm c khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi khoản 3 Điều 30 Luật Công an nhân dân năm 2018) về kéo dài hạn tuổi trong trường hợp đặc biệt, Hòa thượng, ĐBQH Thích Bảo Nghiêm cho rằng, nội dung này là rất cần thiết, phù hợp bởi vì hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan Công an nhân dân ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật Công an nhân dân, trong một số trường hợp đặc biệt còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Công an nhân dân là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội…
Tuy nhiên, theo ĐBQH Thích Bảo Nghiêm, Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp.
Cơ bản đồng tình với các nội dung trong Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân nhưng ĐBQH Nguyễn Phương Thủy lại cho rằng, cần có văn bản quy định chi tiết về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn với cấp Tướng. Việc thăng cấp bậc hàm không chỉ riêng cấp Tướng; đồng thời đề xuất giao Chính phủ quy định chung về tiêu chuẩn, quy định áp dụng nhằm đảm bảo tính toàn diện và thống nhất, kết nối liên thông các cấp bậc hàm.
Cùng với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng đề xuất sẽ sửa Nghị định số 49/NĐ-2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Công an Nhân dân; đồng thời bổ sung một số nguyên tắc nên được quy định trong Luật Công an Nhân dân (sửa đổi). Ngoài ra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân cần phải tương đồng với Bộ Luật lao động.
Ngoài ra, các ĐBQH TP Hà Nội còn cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu kết luận tại phiên thảo luận, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Những ý kiến, đề xuất sẽ được tổng hợp trước khi trình lên Quốc hội cho ý kiến đóng góp tại hội trường trong Kỳ họp thứ Năm này.