Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có phạm vi điều chỉnh và áp dụng là tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đây chính là cơ chế để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ, cụ thể là “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước... có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài... Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”(1).
Cụ thể hóa căn cứ xem xét miễn nhiệm
Với nguyên tắc thứ 3 của Quy định 41 “kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ...”, chúng ta tin tưởng, bước đầu sẽ giải quyết được tình trạng lãnh đạo ở những đơn vị, cơ quan có năng lực, trình độ non yếu, phẩm chất đạo đức thấp kém nhưng vẫn tại vị năm này qua năm khác đến hết nhiệm kỳ, thậm chí có trường hợp còn được tiếp tục tái nhiệm. Để thúc đẩy thực thi có hiệu quả các quy định về miễn nhiệm, từ chức, Điều 11 của Quy định 41 cũng yêu cầu, “chỉ đạo cụ thể hóa phù hợp với từng cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp và không trái với Quy định này”. Đối với công việc vô cùng hệ trọng này, dù là cơ quan, đơn vị nào cũng cần cụ thể hóa đến mức lượng hóa được tất cả các căn cứ xem xét miễn nhiệm và tất cả các căn cứ xem xét cho từ chức.
Trong 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm thì 5 căn cứ đã được lượng hóa hoặc cụ thể, chi tiết hóa. Duy chỉ có căn cứthứ 4 "có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ", về mặt thời gian thì đã được lượng hóa (2 năm liên tiếp) nhưng làm sao để đi đến kết luận không hoàn thành nhiệm vụ cần phải được làm sáng tỏ. Để xem xét đúng đắn, thực chất căn cứ này thì hằng năm phải thực thi nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc đánh giá cần được thực hiện ở 2 cấp, cấp thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị nhận xét, đánh giá lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị mình; cấp thứ hai, lãnh đạo, quản lý cấp trên trực tiếp quản lý nhận xét, đánh giá.
Về cấp nhận xét, đánh giá thứ nhất (ý kiến của tập thể cơ quan, đơn vị): Có một thực tế phải nghiên cứu, xử lý sớm, mạnh mẽ và quyết liệt hơn, đó là không ít lãnh đạo, quản lý do yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ, về phẩm chất đạo đức (nhất là người đứng đầu) mà cấp trên cũng không sao xử lý kỷ luật được, đưa đi đâu cũng không xong nhưng không ít người không dám có ý kiến khi đóng góp cho “sếp” vì sợ bị trù úm. Bởi vậy, việc lấy ý kiến cũng phải bảo đảm thực chất, khách quan và công minh theo trình tự: Người lãnh đạo trình bày báo cáo kiểm điểm hằng năm của mình trước tập thể cơ quan, đơn vị; tập thể thảo luận dân chủ; lấy ý kiến chính thức bằng phiếu đánh giá với 2 mức độ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả kiểm phiếu sẽ là nhận xét, đánh giá chính thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, do còn tình trạng vận động hành lang, do danh dự của đơn vị, do lợi ích cá nhân và nhiều lý do khác nên sẽ có ý kiến của một số người “9 bỏ làm 10”, dù biết các lãnh đạo cơ quan, đơn vị yếu kém nhiều mặt, thậm chí “yếu kém toàn diện” (do “chạy” mà có vị trí lãnh đạo) nhưng vẫn “dĩ hòa vi quý” ghi phiếu ở mức độ hoàn thành. Do đó lãnh đạo cấp trên cần chỉ đạo, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ đất nước. Đây cũng là yêu cầu thiết thực đối với tập thể cơ quan, đơn vị, vì vậy mỗi người phải hết sức trách nhiệm với chính kiến của mình. Mặt khác, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng phải với tinh thần thẳng thắn, khách quan, trung thực vì sự tiến bộ, phát triển của cơ quan, đơn vị mình mà thể hiện đúng đắn, khách quan chính kiến của mình.
Về cấp nhận xét, đánh giá thứ hai (của lãnh đạo cấp trên trực tiếp): Trong nhận xét, đánh giá lãnh đạo cấp dưới, ngoài sự khách quan, công minh, chính trực, ngay thẳng thì phải rất cảnh giác với các “động tác chạy” của người được nhận xét, đánh giá. Vấn đề này đã được Bác Hồ chỉ ra từ năm 1947, “Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây...”(2). Còn hiện nay, mới nhất, phải chú ý đầy đủ tới Điều 15 trong số 19 điều đảng viên không được làm, đó là, “tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm, dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân...”.
Việc nhận xét, đánh giá hai cấp như trên chính là thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII, “đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể... công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”(3). Bây giờ vận dụng trong trường hợp miễn nhiệm vừa bảo đảm tính dân chủ, vừa bảo đảm độ chính xác cao, tạo điều kiện cho cấp có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm xem xét thuận lợi, chính xác, thấu tình đạt lý hơn.
Cụ thể hóa căn cứ xem xét từ chức
Theo Điều 6 của Quy định 41 thì có 4 căn cứ, trong đó căn cứ thứ 3 “có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định”, căn cứ này đã được lượng hóa cụ thể; căn cứ thứ 4 “vì lý do chính đáng khác của cá nhân”, lý do chính đáng có thể là do sức khỏe như mắc bệnh hiểm nghèo, phải trị bệnh dài ngày, hoặc do định cư ở khu vực khác rất xa cơ quan, đơn vị... là những trường hợp cụ thể đã rõ ràng nên không phải bàn thêm. Còn căn cứ thứ nhất “do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao” và căn cứ thứ 2 “để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng” thì phải lượng hóa tương đối cụ thể mới quyết định chính xác được việc từ chức. Song trước tiên phải thấm nhuần Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII, đó là, việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm phải trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ, nghĩa là coi từ chức “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ. Tất nhiên cũng cần minh bạch hóa các căn cứ xem xét.
Về căn cứ thứ nhất: cần làm rõ mức độ năng lực hạn chế hoặc không còn đủ uy tín để lãnh đạo. Để làm rõ việc này, chúng ta cũng phải tiến hành theo trình tự như căn cứ thứ 4 của miễn nhiệm. Nghĩa là hằng năm phải nghiêm túc nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo của cơ quan, đơn vị một cách công khai, dân chủ theo trình tự: Lãnh đạo trình bày báo cáo kiểm điểm của mình; tập thể cơ quan, đơn vị đóng góp ý kiến xây dựng; cán bộ, công chức, người lao động ghi phiếu nhận xét, đánh giá. Điều khác hơn là: nhận xét, đánh giá cả hai mặt năng lực và phẩm chất với hai mức: đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu. Các trường hợp phải từ chức gồm: trường hợp thứ nhất là cả hai tiêu chí năng lực và phẩm chất đều có trên 50% số phiếu ghi chưa đạt yêu cầu. Trường hợp thứ hai là, có trên 50% số phiếu ghi phẩm chất chưa đạt yêu cầu (theo đúng quan điểm của Đảng: tài và đức, trong đó đức là gốc).
Về căn cứ thứ hai, trước hết cần làm rõ nội hàm “sai phạm nghiêm trọng” là gì? Theo Điều 6, Khoản 2 của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, ngày 18.9.2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì “Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại lớn, tác hại ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, đơn vị công tác”. Từ nội hàm này, khi xem xét cần phân biệt hai trường hợp. Một là sai phạm của cơ quan, đơn vị do chủ trương, quyết định sai lầm của lãnh đạo dẫn đến cơ quan, đơn vị vi phạm nghiêm trọng thì lãnh đạo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, tức là phải từ chức. Hai là, do buông lỏng quản lý, hoặc do cán bộ, công chức, viên chức tự vi phạm nghiêm trọng trong thực thi công vụ hoặc ngoài công vụ. Trường hợp này cũng phải được lượng hóa với mức độ cần thiết. Ở cấp vụ, cục, sở, nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọngtừ hai vụ trở lên thì lãnh đạo nên từ chức. Nếu xảy ra một vụ mà mức độ gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì dù mới xảy ra một vụ, lãnh đạo cũng phải từ chức, vì những vi phạm này có tính chất, mức độ tác hại rất lớn, đặc biệt lớn, tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc và đặc biệt bức xúc trong nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, đơn vị công tác.
Nhanh chóng cụ thể hóa và thực thi nghiêm túc, chặt chẽ Quy định này, sẽ góp phần đắc lực vào mục tiêu xây dựng và kiện toàn một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm với nhiệm vụ chiến lược phát triển nền kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII đã xác định.
________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, trang 178 - 179, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021.
(2) Hồ Chí Minh, Về vấn đề cán bộ, trang 41, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975.
(3) Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 về công tác cán bộ, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.