Dự án Luật Giá (sửa đổi):

Để thị trường tự định giá, đã hợp lý chưa?

- Thứ Tư, 15/03/2023, 19:18 - Chia sẻ

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang đề xuất bỏ một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, thận trọng quy định này bởi trong một số trường hợp, giao thị trường tự định giá, không có sự quản lý của Nhà nước thì đối tượng bị thiệt hại sẽ chính là người dân.

Không cản trở doanh nghiệp thẩm định giá

Dự án Luật Giá (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng nay, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá là đã tiếp thu, giải trình khá công phu, nhiều nội dung có căn cứ, lập luận rất thuyết phục. Dự thảo Luật cũng rà soát, bổ sung quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn thẩm định giá; chỉnh lý quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức liên quan trong đào tạo, thi, cấp, quản lý, thu hồi chứng chỉ và thẻ thẩm định viên về giá; đăng ký hành nghề thẩm định giá, bảo đảm cơ sở pháp lý và tính bao quát.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát lại tính phù hợp của tiêu chuẩn thẩm định giá với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, Khoản 1, Điều 43 dự thảo Luật quy định, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam là những quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá. Nhưng trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… Điều này cho thấy, thuật ngữ “tiêu chuẩn thẩm định giá” chưa phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Cần có cách dùng từ ngữ phù hợp hơn và bảo đảm tính tương thích với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đối với doanh nghiệp thẩm định giá và người thẩm định giá, hiện nay có nhiều lĩnh vực doanh nghiệp thẩm định giá bỏ, không làm nữa, nhất là trong lĩnh vực đất đai, “không biết hợp đồng được bao nhiêu tiền, nhưng bắt chịu rủi ro vô hạn. Tư vấn thực chất là bán lời khuyên, còn dùng hay không dùng và dùng lời khuyên như thế nào là quyết định của người sử dụng. Cho nên, dự thảo Luật cần quy định quyền tương xứng với với nghĩa vụ, trách nhiệm. Quyền một tí mà nghĩa vụ, trách nhiệm vô biên”, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế và đề nghị, nên có quy định khuyến khích hơn với doanh nghiệp thẩm định giá và người thẩm định giá.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vi phạm trong thẩm định giá và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu phải rà soát, quy định chặt chẽ hơn về thẩm định giá, đặc biệt là các quy định về kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với thẩm định giá. Tinh thần này đã được tiếp thu trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, dù quy định phải chặt chẽ hơn nhưng cũng vẫn phải bảo đảm điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp thẩm định giá. Chặt quá mà cản trở hoạt động thì không nên. 

Đang quá nghiêng về thị trường? 

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang đề xuất bỏ một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đề xuất này cần hết sức thận trọng và đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến của các bộ, ngành trực tiếp quản lý những hàng hóa, dịch vụ này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn chứng, dự thảo Luật đề xuất bỏ quy định Nhà nước định giá đối với nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng. Quy định này có liên quan trực tiếp tới dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến. Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Nhà nước vẫn cần định giá đối với nhà ở xã hội do cá nhân và hộ gia đình đầu tư xây dựng, bởi việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là một chính sách xã hội của Nhà nước, có liên quan đến chế độ ưu đãi, hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội. Nếu Nhà nước không định giá mà thả nổi theo thị trường sẽ mất đi tính xã hội đối với chính sách này.

"Nhà nước không định giá đối với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì các cá nhân, hộ gia đình đầu tư sẽ được hưởng lợi rất lớn, một mặt nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, mặt khác giá không bị quản lý, thiệt hại sẽ là những người dân. Vì vậy, cần hết sức cân nhắc quy định này, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh. 

Tương tự, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cũng đề nghị bỏ khung giá đối với dịch vụ đấu giá tài sản và mức giá tối đa. Nếu bỏ thì có dẫn đến khoảng trống pháp lý hay không? Đặt câu hỏi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, bỏ khung giá tức là giao cho thị trường điều chỉnh, rất dễ dẫn đến sự thoả thuận ngầm giữa tổ chức đấu giá tài sản với tổ chức, cá nhân có tài sản đấu giá, để tác động vào kết quả đấu giá.

Đặt vấn đề phải chăng dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang quá nghiêng về thị trường mà giảm đi tính định hướng xã hội chủ nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng băn khoăn khi dự thảo Luật bỏ quy định mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới phù hợp với từng thị trường, ngành nghề, công việc cụ thể theo thời kỳ có người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, đây là một lĩnh vực rất đặc thù, bởi lẽ, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Và quy định Nhà nước định giá mức trần thù lao để phòng, chống bóc lột lao động, lạm dụng việc thu của người lao động, đồng thời hạn chế “chi phí gầm bàn”. Do đó, cần đánh giá tổng kết, làm rõ lý do vì sao bỏ quy định này.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật, chuẩn bị hồ sơ báo cáo lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Anh Thảo
#