Chính sách tại địa bàn không còn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861 và Quyết định 612

Đánh giá tác động, hỗ trợ kịp thời

- Thứ Sáu, 18/11/2022, 15:07 - Chia sẻ

Thảo luận tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá việc thực hiện 2 Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

Nguy cơ ảnh hưởng đến thoát nghèo bền vững

Các đại biểu khẳng định những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, ưu đãi tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, gần đây nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn năm 2021 - 2025. Qua đó, giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng dần qua từng năm.

Tuy nhiên, Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn năm 2021 - 2025; và Quyết định số 612 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đang có nguy cơ ảnh hưởng đến thoát nghèo bền vững. Theo đó, một số xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nay đã chuyển thành địa bàn xã có điều kiện kinh tế bước đầu phát triển do hoàn thành xây dựng nông thôn mới, từ đó, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho các xã này bị cắt giảm.

Nhiều hộ dân tại các xã này lại gặp rất nhiều khó khăn khi những chính sách hỗ trợ được hưởng trước đây bị cắt bỏ, như việc cấp thẻ bảo hiểm y tế; chính sách phát triển giáo dục - đào tạo; chính sách đối với cán bộ, giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...

“Bên cạnh đó, 3 năm gần đây, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội của các tầng lớp nhân dân. Trong khi đó, đa phần đối tượng bị tác động bởi Quyết định số 861 đều là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hộ cận nghèo, nên họ càng khó khăn”, ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai) phản ánh.

ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu tại hội trường 	 Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Lâm Hiển

Theo ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La), hầu hết các địa phương đều đánh giá việc thực hiện 2 Quyết định đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, trong đó một số chính sách có ảnh hưởng, bất cập rất lớn (như ĐBQH Hà Đức Minh đã đề cập).

Theo báo cáo, khoảng 3,1 triệu người không còn được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế do thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và người đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, trong đó có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số. ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) thông tin, riêng tại tỉnh Thái Nguyên, số xã bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861 là 85 xã, số người không còn được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế là 156.322 người.

Rà soát bất cập và sớm có giải pháp

“Tôi thiết nghĩ chúng ta cần có lời giải thích rõ ràng, thỏa đáng hơn, rõ trách nhiệm hơn và có những giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, động viên cụ thể đến đồng bào, cử tri và kịp thời chia sẻ sâu sắc với những khó khăn của đồng bào. Theo đó, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành đồng bộ các văn bản phân bổ vốn kịp thời, đầy đủ để triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; nghiên cứu, tổ chức đánh giá và sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập ở địa phương khi triển khai áp dụng thực hiện Quyết định số 861 và Quyết định 612”, ĐBQH Hoàng Thị Đôi kiến nghị.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu tại hội trường   	Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành việc đánh giá, rà soát những khó khăn, bất cập trong thời gian thực hiện Quyết định 861 để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng sinh sống tại các xã khu vực 2, khu vực 3 chuyển lên khu vực 1 và đánh giá, đề xuất giải pháp, lộ trình hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, do việc điều chỉnh danh sách các xã, thôn, khu vực khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết của Quốc hội.

“Cùng với đó, kính đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm, phải có ngay các giải pháp rất cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe nhân dân, nhất là những khó khăn, vướng mắc đã phát sinh và bộc lộ rất rõ sau đại dịch Covid-19 vừa qua”, ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu.

Hương Linh