Đại biểu Quốc hội đề nghị giải quyết tồn tại trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

- Thứ Tư, 02/11/2022, 18:00 - Chia sẻ

Phát biểu tại hội trường hoặc bên lề Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo xử lý tồn tại liên quan đến cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Đề nghị xử lý dứt điểm

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ngày 27.10, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Bình Phước), cử tri và Nhân dân mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy, quyết liệt chỉ đạo đối với các tồn tại, yếu kém kéo dài, gây bức xúc dư luận, trong đó có những tồn tại liên quan đến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Giải quyết dứt điểm tồn tại trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam -0
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Bình Phước) phát biểu tại hội trường sáng 27.10. Ảnh: Hồ Long

Trao đổi bên lề phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 ngày 31.10, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) chỉ ra rằng, cách khai thác, định giá đất, hay thương hiệu trong một số dự án gần đây của ngành văn hóa như cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cho thấy bất cập trong sử dụng tài sản của Nhà nước để phát huy giá trị.

Trước đó, trong cuộc làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Bùi Hoài Sơn cũng đề nghị xử lý dứt điểm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Đánh giá hiệu quả hoạt động các đơn vị điện ảnh nhà nước sau khi chuyển đổi mô hình

Năm 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện ảnh, trong đó có việc thực hiện cơ chế tự chủ, cổ phần hóa các đơn vị điện ảnh nhà nước. Theo báo cáo khảo sát, đến nay, 4 đơn vị điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện cổ phần hóa, gồm: Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện I, Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Hoạt hình Việt Nam; 1 đơn vị hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương; 1 đơn vị tự chủ là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia; 1 đơn vị chuyển đổi mô hình công ty 100% tư nhân là Công ty CP Fafim.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi ở một số đơn vị còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc. Trong đó, quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam chưa xem xét đầy đủ các yếu tố đặc thù của ngành. Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam là Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVACO) hoạt động trong lĩnh vực vận tải, không liên quan đến điện ảnh, đến nay đã bị Chính phủ yêu cầu thoái vốn do những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa. Sau cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam bị rơi vào tình trạng ngừng hoạt động.

"Đến lúc này có thể thấy, cổ phần hóa các hãng phim mất nhiều hơn được" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV Hoàng Thị Hoa từng nhận định như vậy sau khi khảo sát tại 4 hãng phim trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện cổ phần hóa.

Từ kết quả khảo sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo triển khai đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị điện ảnh nhà nước sau khi chuyển đổi mô hình để có hướng đi thích hợp.

Đại biểu Quốc hội đề nghị giải quyết tồn tại trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam -0
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV khảo sát tại Công ty cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam, tháng 1.2021. Ảnh: Bích Diệp

Tại sao không thể thực hiện kết luận thanh tra?

Liên quan đến xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều buổi làm việc và gửi nhiều văn bản đến nhà đầu tư chiến lược nhưng việc triển khai thu hồi số cổ phần đã bán cho nhà đầu tư chiến lược không thực hiện được do nhà đầu tư chiến lược không hợp tác.

Theo Công văn số 2776/BVHTTDL-KHTC ngày 27.7.2022 trả lời phản ánh, kiến nghị của đại diện cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện các quy trình thủ tục về việc thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược.

Để thực hiện xử lý dứt điểm việc thu hồi số cổ phần đã bán cho nhà đầu tư chiến lược, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp, xin ý kiến của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về kế hoạch nhận lại cổ phần và hoàn trả tiền cho Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO). Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, qua nhiều lần làm việc với nhà đầu tư chiến lược và thực trạng hiện nay, quá trình triển khai thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý cho việc thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho VIVASO để tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp với nhà đầu tư.

Thứ hai, về nguồn tiền để hoàn trả cổ phần phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn Nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1.4.2022).

Thứ ba, cho đến nay, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều buổi làm việc và gửi nhiều văn bản đến nhà đầu tư chiến lược nhưng việc triển khai thu hồi số cổ phần đã bán cho nhà đầu tư chiến lược không thực hiện được do nhà đầu tư chiến lược không hợp tác.

Thứ tư, về tình hình tài chính, theo báo cáo ngày 1.6.2022 của người đại diện phần vốn Nhà nước tại VIVASO, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gần như không hoạt động, lỗ liên tiếp kể từ khi chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Thanh tra Chính phủ xin ý kiến hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên theo các quy định hiện hành. Bộ cũng đang chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại VIVASO rà soát thực trạng tài chính của công ty, đánh giá tổng hợp lợi ích của Nhà nước và phương án củng cố, phát triển Hãng phim truyện Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết theo các quy định hiện hành bảo đảm quyền lợi của người lao động tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại VIVASO phối hợp thực hiện các nội dung liên quan đến việc thu hồi các cơ sở nhà đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội theo Công văn số 2687/UBND-ĐT ngày 19.8.2021 của UBND TP. Hà Nội và tại số 6 đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh theo Công văn số 995/UBND-KT ngày 4.4.2022 của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Anh Minh
#