BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI THÁNG 4. 2022

Chắt lọc hơn, bám sát hơi thở thực tiễn cuộc sống

- Thứ Năm, 12/05/2022, 06:54 - Chia sẻ

Việc xem xét công tác dân nguyện định kỳ tại các phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm, sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, tại Phiên họp chiều qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, Báo cáo dân nguyện cần chắt lọc hơn, bám sát hơi thở thực tiễn đời sống xã hội, những vấn đề nóng đặt ra như: thị trường chứng khoán, khiếu nại, tố cáo về đất đai, đưa học sinh quay trở lại trường học, có tiếp tục thực hiện 5K trong công tác phòng, chống dịch, tiêm vaccine cho trẻ em...

Công tác dân nguyện của Quốc hội đi vào nền nếp

Cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV và báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4.2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng thảo luận về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã giúp công tác dân nguyện đi vào nền nếp, thể hiện trách nhiệm, sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, do vậy, rất cần bổ sung điểm nhấn này trong Báo cáo trình trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba.

Trong Báo cáo lần này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Ban Dân nguyện cần tiếp tục bám sát hơn nữa hơi thở thực tiễn cuộc sống. Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra, dự thảo Báo cáo có nêu 3.393/3.393 kiến nghị đã được tổng hợp, giải quyết, nhưng tại sao vẫn còn trường hợp khiếu kiện đông người trước trụ sở các cơ quan Trung ương, địa phương (?) Nguyên nhân do đâu và trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào. Bởi lẽ, "nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền thực sự quan tâm, vào cuộc thì nơi đó dân an". Ban Dân nguyện cần phân tích số liệu về đơn thư khiếu nại, tố cáo; trách nhiệm của Trung ương và địa phương như thế nào; có bao nhiêu khiếu nại, tố cáo không đúng.

Cũng trong Báo cáo có nêu 8 vụ việc điển hình có liên quan đến ngành công thương, giáo dục đào tạo,xây dựng, tài chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đề cập này chưa thật thỏa đáng, đơn cử như vấn đề đất đai có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ýtại Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII vừa qua, đó là: gần 70% số đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai, song dự thảo Báo cáo chưa đề cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết thêm, trong lĩnh vực đất đai, nhiều cử tri còn phản ánh về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thậm chí mộtsố dự án cơ bản đã làm xong mà dân vẫn khiếu nại, tức là chúng ta xử lý nhưng người dân không hài lòng, nên vẫn khiếu nại, tố cáo tiếp, chứ không phảixong dự án là hết khiếu nại, tố cáo. Cử trivà Nhân dân cũng rất mong muốn Quốc hội sớm xem xét, sửa đổiLuật Đất đai năm2013, trong đó có các quy định liên quan đến giá đất, thủ tục định giá, đền bù, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Tạo sự ổn định, phát triển, cạnh tranh lành mạnh của thị trường chứng khoán

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo Báo cáo công tác dân nguyện cần chắt lọc thêm những vấn đề “nóng” trong đời sống xã hội. Ví dụ, về ytế, có tiếp tục thực hiện 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) hay không, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hay vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi như thế nào? Trước đây cử tri rất lo ngại, giờ tình hình tiêm vaccine ra sao, tâm lý của phụ huynh và trẻ em như thế nào?

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần đánh giá thêm phản ánh của dư luận với việc đưa học sinh quay trở lại trường học, có hay không tình trạng quá tải chương trình sách giáo khoa, vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển chọn vào đại học… Đây đều là những vấn đề lớn nên đề cập trong Báo cáo công tác dân nguyện tháng 4.2022.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Báo cáo chưa tập hợp hết ý nguyện của cử tri và Nhân dân”. Đó là những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, giá cả leo thang, từ giá xăng tăng... đến đời sống người dân, nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Lưu ý tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn, “không phải người lao động không thấy được lợi ích thiết thực của việc duy trì nộp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, mà quan trọng là do đời sống khó khăn nên buộc phải rút. Số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần đang tăng lên, cho nên cần đánh giá kỹ tác động của việc này”.

Chia sẻ với nỗi lo của cử tri và Nhân dân về tình hình bất ổn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải thiết lập lại trật tự kỷ cương, tạo sự ổn định, phát triển, cạnh tranh lành mạnh của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và thị trường vốn nói chung.

Báo cáo dân nguyện hàng tháng là tiếng nói từ thực tiễn, nên các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, cần phản ánh rất sâu sắc, đầy đủ diễn biến của cuộc sống hàng ngày đến với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Anh Thảo