Hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Tại Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đưa ra hai phương án về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó, phương án 1 quy định việc hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Cụ thể, nhóm 1 là đối với người lao động đã tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có nhu cầu thì được nhận một lần. Nhóm 2 là đối với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này có hiệu lực trở đi (dự kiến là ngày 1.7.2025) thì không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, quy định sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề phức tạp và có tác động xã hội lớn, do đó, ưu điểm và nhược điểm của mỗi phương án đều được Chính phủ phân tích kỹ lưỡng trong hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu.
ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhận định, đây là một nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì xung đột lợi ích. Người đã đóng bảo hiểm xã hội mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình. Nhà nước thì lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình họ và cho xã hội.
Nhấn mạnh, mong muốn của cả hai bên đều rất chính đáng, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ ủng hộ phương án 2 nhằm bảo đảm lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã chỉ rõ, có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (TP. Hà Nội) cho biết, trong năm 2022, có gần 1 triệu người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số này tiếp tục tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Có thể thấy, cú sốc về kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm, nhiều lao động mất việc chưa tìm được việc làm mới và không còn sự lựa chọn nào khác mà phải dựa vào tiền đóng bảo hiểm xã hội để sử dụng trong lúc khẩn cấp, khó khăn. Đáng chú ý, cuối năm 2022, nhiều công ty ở khu vực phía Nam buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô. Theo thống kê, có hơn 600.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 34.000 công nhân mất việc làm, số còn lại bị giảm giờ làm việc hoặc nghỉ chờ việc.
Nêu ra thực tế này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng tán thành với phương án 2 của Điều 77, vì quy định theo hướng giảm lợi ích từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần này vẫn bảo đảm quyền lợi trước mắt của người lao động, đồng thời giúp họ không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại.
Khuyến khích, động viên người lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Tuy nhiên, mức rút bảo hiểm xã hội ở phương án 2, theo nhiều đại biểu Quốc hội là “chưa chặt chẽ” và “chưa rõ cơ sở” để thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - ĐBQH tỉnh Bình Định, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần 50% phải căn cứ vào khả năng đóng và khả năng rút. Phần doanh nghiệp đóng cho người lao động dù vẫn là của người lao động, song sẽ phải để lại, sau này đóng sẽ được nối tiếp lương hưu.
“Ví dụ, cơ cấu đóng Quỹ bảo hiểm xã hội là 25,5%, trong đó, 8% là người lao động đóng còn 17,5% là doanh nghiệp đóng. Với 18% thì có 3% là ốm đau, thai sản, 0,5% là ốm tai nạn, 14% là chế độ hưu trí, tử tuất. Vậy nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, còn lại 11,5% thì người lao động muốn rút ra sẽ được rút. Nếu như vậy sẽ tương ứng được rút ra khoảng gần 46% còn 54% để lại”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà tán thành với hưởng bảo hiểm xã hội một lần 50% tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, “còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này".
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhận thấy, vẫn còn những vấn đề bỏ ngỏ và có khoảng trống. Bởi, với quy định của dự thảo Luật thì khi người lao động chỉ rút 46% để lại 54% hay rút 50% để lại 50%, “thì sau bao nhiêu năm sẽ được rút phần còn lại kể cả khi họ không tiếp tục quay lại đóng bảo hiểm? Không lẽ tiền đó lại để BHXH?”, Bộ trưởng nêu vấn đề.
Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh, việc gia tăng số người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già. Do vậy, cần có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trong đó, để hạn chế việc người tham gia rút bảo hiểm xã hội một lần, tạo nên một lưới an sinh để đến khi hết tuổi lao động sẽ được hỗ trợ nhất định, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề xuất, nên kết hợp giữa phần hỗ trợ của Nhà nước với phần đóng của người lao động, tức là nếu người lao động tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội thì được hưởng, được hỗ trợ một phần từ ngân sách của nhà nước.
"Thay vì việc đến lúc đấy chúng ta hỗ trợ cho người thuộc diện được hưởng thì hãy hỗ trợ ngay từ khi người ta còn trong tuổi lao động, để tạo sự khuyến khích, coi như cùng đóng cùng tham gia”. Với cách thức này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, chúng ta không phải hỗ trợ từ hưu trí xã hội nữa, trong khi sẽ tạo ra sự khuyến khích, tạo sự động viên để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nói chung, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn.