Giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông:

Cần có những kiến nghị thật thực tiễn

- Thứ Bảy, 25/03/2023, 14:40 - Chia sẻ

Là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước nên các mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo và cả những khó khăn, vướng mắc của TP. Hà Nội trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì thế, tại cuộc làm việc mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Hà Nội cần nêu được những kiến nghị thật sự thực tiễn, đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình trong thời gian tới. 

Kết quả bước đầu tương đối tốt nhưng vẫn… “bốn thiếu”

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát dẫn đầu vừa làm việc với UBND TP. Hà Nội. 

Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Đoàn giám sát, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, TP. Hà Nội đã ban hành 33 văn bản, trong đó có 8 văn bản quy phạm pháp luật, 25 văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã ban hành 86 văn bản, kế hoạch hướng dẫn. Nội dung các văn bản này đã chỉ đạo kịp thời, chỉ rõ chi tiết nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện, phân công tổ chức thực hiện rõ ràng. Các văn bản ban hành nhất quán trong chỉ đạo, phù hợp với điều kiện thực tế của TP. Hà Nội và đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình) và sách giáo khoa mới.

TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo, triển khai quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh về Chương trình. Quan tâm tới công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí thực hiện Chương trình; chuẩn bị đội ngũ thực hiện Chương trình, trong đó, tích cực, chủ động rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên; chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Quản lý giáo dục triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thành phố luôn quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Việc triển khai Chương trình thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu tương đối tốt khi Hà Nội đứng đầu về số lượng học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp quốc tế; năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục của Thủ đô đã tăng 7 bậc trong xếp loại chung về giáo dục - đào tạo toàn quốc.

Nhìn lại quá trình triển khai Chương trình, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ, yêu cầu đặt ra đối với Thành phố rất cao nhưng khả năng đáp ứng hiện nay còn hạn chế. Những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này thể hiện ở tình trạng “bốn thiếu”: thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị. “Tình trạng thiếu này cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu”.

Chỉ rõ thực tế trên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, Chương trình có bốn nội dung rất quan trọng là: giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa và kinh phí. Với ba nội dung đầu, Thành phố cũng gặp không ít khó khăn, thử thách như những địa phương khác. Riêng đối với vấn đề về kinh phí, Thành phố luôn quyết tâm bảo đảm kinh phí đầu tư cho giáo dục, bởi đây là lĩnh vực đầu tư trọng điểm và Hà Nội được xác định là trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của đất nước theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Mặt khác, TP. Hà Nội cũng xác định, lĩnh vực giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là điểm mạnh, là chiến lược phát triển lâu dài của Thủ đô.

Làm rõ hơn tồn tại, vướng mắc 

Qua nghiên cứu các báo cáo, làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, UBND các huyện và khảo sát tại các cơ sở giáo dục với nhiều loại hình, mô hình khác nhau trên địa bàn TP. Hà Nội, Đoàn giám sát ghi nhận, với sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố trong đầu tư nguồn lực, chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn Thành phố đã được chỉ đạo, chuẩn bị từ sớm và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa nhận định, với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, việc triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn TP. Hà Nội có tính dẫn dắt trong việc triển khai thành công Chương trình trên phạm vi rộng hơn. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cũng cho rằng, Thủ đô Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương khác trong việc triển khai Chương trình bởi giáo dục là một trong những lĩnh vực được Thành phố quan tâm đầu tư từ rất sớm. Việc triển khai Chương trình cũng được các cấp ủy, chính quyền của Thành phố thực hiện bài bản, đi vào nền nếp, tạo nền tảng quan trọng cho Thành phố thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Chia sẻ nhận định này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ ấn tượng với những kết quả mà Thành phố đạt được trong triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói chung, đặc biệt là trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Bên cạnh những kết quả nổi bật và rất đáng ghi nhận của ngành giáo dục Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, báo cáo của UBND TP. Hà Nội gửi Đoàn giám sát cần đánh giá, phân tích sâu sắc hơn những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện. "Cần có những kiến nghị rất thực tiễn, xuất phát từ cuộc sống, từ ý kiến của cử tri, Nhân dân để có những đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ, Quốc hội nhằm xem xét có những điều chỉnh cần thiết đối với các văn bản quy phạm pháp luật để ở dưới thực hiện được bởi việc thực hiện Chương trình thực tế không đơn giản”.

Vấn đề này cũng được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra tại cuộc làm việc. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ nêu vấn đề, qua khảo sát thực tiễn, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Hà Nội cho rằng, Chương trình còn khá nặng, chưa tinh giản nhiều so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006; các môn học tích hợp chưa thể hiện rõ tính tích hợp, liên môn; việc xây dựng tổ hợp các môn học chưa đáp ứng hết nhu cầu đa dạng của học sinh; việc học sinh chuyển từ tổ hợp này sang tổ hợp khác rất khó khăn vì học sinh phải học bù các môn học chưa có trong tổ hợp đã học trước đó… Vì vậy, Thành phố cần làm rõ hơn thực trạng và đề xuất giải pháp, kiến nghị cụ thể đối với vấn đề này trong báo cáo gửi Đoàn giám sát. 

Hay trong việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, báo cáo của UBND TP. Hà Nội đánh giá rất tích cực việc chỉ đạo và tổ chức triển khai tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu thực tiễn và làm việc với một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Đoàn giám sát nhận thấy nhiều cơ sở đang gặp khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để bảo đảm được giáo viên dạy các môn học mới. Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho biết, một số giáo viên được phân công dạy những môn tích hợp theo chương trình mới còn gặp khó khăn, lúng túng trong đổi mới phương pháp pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, nhất là ở năm học đầu thực hiện Chương trình. Do đó, Thành phố cần bổ sung việc đánh giá những khó khăn nêu trên và kiến nghị, đề xuất giải pháp căn cơ để khắc phục. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, chuyên đề giám sát hướng tới mục tiêu đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2014 - 2022. Qua đó làm rõ kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Theo Kế hoạch, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trực tiếp làm việc với Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ liên quan. Đối với các địa phương, ngoài việc đề nghị UBND 63 tỉnh, thành phố báo cáo, Đoàn lựa chọn giám sát trực tiếp tại 8 địa phương đại diện cho các vùng, miền trên cả nước gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lai Châu, Hưng Yên, Bình Định, Đắk Nông, Bình Phước, Sóc Trăng.

Hà Nội là địa phương đầu tiên Đoàn giám sát tổ chức làm việc. Trong thời gian qua, ngành Giáo dục Hà Nội luôn giữ vị trí tiên phong, tiêu biểu cho cả nước. Do đó, các mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo và cả những khó khăn, vướng mắc của Thành phố sẽ là những vấn đề để các địa phương trong cả nước có thể nghiên cứu. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, cần đánh giá công bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và đất nước - đó mới là mục tiêu của giám sát.

Nhật An