TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Cần chỉ rõ trách nhiệm

- Thứ Năm, 12/05/2022, 07:11 - Chia sẻ

Năm 2021, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra dù phải đối diện với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, tại phiên họp sáng 11.5, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, cần đánh giá sâu sắc hơn nữa tính chất không bền vững của các khoản tăng thu ngân sách; chỉ rõ trách nhiệm trước tình trạng thị trường chứng khoán biến động bất thường, trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, bất cập trong quản lý đất đai, chậm triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Khoản tăng thu có bền vững?

Một kết quả nổi bật trong năm 2021 là thu ngân sách tăng so với dự toán. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ,việc tăng thu ngân sách gấp 9 lần so với dự toán cũng cho thấy công tác dự báo, phân tích, đánh giá còn yếu kém. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, số tăng thu ngân sách năm 2021 không bền vững, phần lớn dựa vào tài nguyên và liên quan đến đất. Điều này cũng lý giải vì sao tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm 2020 nhưng thu ngân sách tăng đến 16,8%.

“Thu ngân sách tăng so với dự toán là do yếu kém, nên đừng mừng gì trong chuyện này. Phải phân tích tính chất không bền vững của các khoản thu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đánh giá công tác phòng, chống dịch đạt kết quả hết sức tích cực, nhưng Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng chỉ rõ đã nổi lên nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: vi phạm pháp luật của Công ty Việt Á, vi phạm của các trung tâm CDC ở các địa phương trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch.

Cũng theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, phản ứng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 trong một số thời điểm còn chậm, chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau. Trong khi đó, kế hoạch, lộ trình cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế chậm được ban hành. Thực tế, nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới hồi phục khá tốt trong năm 2021 nhưng nước ta có độ trễ hơn, trong khoảng 9 tháng, bắt đầu đến quý 4.2021 mới tích cực thực hiện phục hồi kinh tế và có kết quả bước đầu.

Nhiều vấn đề nổi cộm khác cũng được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá, làm rõ hơn như: nguyên nhân, trách nhiệm trước việc thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá nóng trong năm 2021...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cần xử lý những vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai như tình trạng cố tình đẩy giá đất trong đấu giá đất để trục lợi, hiện tượng cò đất, thổi giá đất làm bất ổn thị trường, việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát ngân sách nhà nước, hiệu quả sử dụng đất ở các dự án đang có nhiều hạn chế...

khai-mac-thuong-vu-a4-1652261778302.jpeg -0
Các đại biểu dự phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm

Kinh tế - xã hội quý I.2022 tiếp tục thu được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá, GDP ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay... Trong đó, việc thu NSNN 3 tháng ước đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021 được Ủy ban Tài chính và Ngân sách đánh giá “là những tín hiệu khả quan cho khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế”. Với tình hình thu ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng cho rằng, khả năng hoàn thành và vượt dự toán năm 2022 về thu ngân sách là khả thi.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường lưu ý, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, đòi hỏi Chính phủ phải sớm có biện pháp, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai, thực hiện.

Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng chỉ rõ, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục không bảo đảm tiến độ, thể hiện việc chưa nghiêm túc trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, trong khi đối tượng thụ hưởng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người yếu thế đang gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ kịp thời.

Một vấn đề được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với nội dung này, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 còn hạn chế, thể hiện ở việc căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình;việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai.

Đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ "phải chỉ rõ tình hình triển khai các mặt từ y tế, giáo dục nếu chậm thì chậm bao nhiêu thời gian, phải có số liệu dẫn chứng minh họa rất cụ thể". Nhấn mạnh Quốc hội Khóa XV đã rất quyết tâm, rất khó khăn,vấtvả để có được một nghị quyết tầm cỡ như vậy tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị việc triển khai thực hiện cần được quan tâm.

Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong điều kiện chúng ta vừa thực hiện khắc phục tác động của dịch để phục hồi, phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nên có những việc làm rất nhanh, nhưng cũng có những việc làm rất chậm. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 (ngày 11.1.2022), thì 19 ngày sau, Chính phủ đã có Nghị quyết 11 để triển khai; ban hành Nghị quyết 15 về giảm thuế giá trị gia tăng; nhiều chính sách thuộc Chương trình này đã được triển khai xong như tín dụng xã hội, hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hàng thương mại…

“Làm chính sách cũng khó nhưng trong thời gian hơn 3 tháng làm được những chính sách này có thể nói là các bộ, ngành rất cố gắng mới được. Chậm ở đây là chậm các dự án cơ sở hạ tầng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ, ngành phải làm sớm việc này thì mới triển khai được”, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Những hạn chế, tính chưa bền vững của một số kết quả đạt được, một yêu cầu được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh là phải xác định được trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Bởi như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã phân tích, từ nay đến cuối năm 2022, nước ta được dự báo sẽ đứng trước nhiều khó khăn, cộng với tác động của chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phải đạt được khoảng từ 8 đến 8,5% trong năm 2022 - đây là một thách thức rất lớn.

THANH HẢI