Dự án Luật Phòng thủ dân sự:

Bảo đảm tính chuyên nghiệp trong chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự

- Thứ Sáu, 23/09/2022, 06:08 - Chia sẻ

Có những sự cố, thảm họa cần phải huy động tất cả các lực lượng và cần thiết có thiết chế, điều phối chỉ huy chung để có chiến lược, kế hoạch, có tính chất tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ về vấn đề phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, đã là chỉ đạo, chỉ huy thì không làm thay trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, các ngành đã được quy định ở luật chuyên ngành. Nhấn mạnh điều này tại Phiên họp về dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần bảo đảm tính chuyên nghiệp, chuyên trách trong chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự. 

Cụ thể hóa các cấp độ phòng thủ dân sự 

Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật trình tại Phiên họp chuyên đề pháp luật lần này đã bước đầu được chỉnh lý theo hướng quy định những vấn đề, nguyên tắc chung nhất về phòng thủ dân sự và những nội dung chưa được quy định trong các luật chuyên ngành. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bám sát Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30.8.2022 của Bộ Chính trị về Phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Theo dự thảo Luật, cấp độ phòng thủ dân sự được xác định gồm 4 cấp từ thấp đến cao. Theo đó, cấp 1 là trong phạm vi địa bàn xã, huyện và tương đương không có khả năng lan sang các khu vực khác; cấp 2 là trong phạm vi địa bàn tỉnh và tương đương, không có khả năng lan sang các khu vực khác; cấp 3 là phạm vi trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong một khu vực nhất định có khả năng lan sang khu vực khác; cấp 4 là trên địa bàn một hoặc nhiều tỉnh (thành phố) hoặc trên phạm vi toàn quốc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp ở từng địa phương hoặc cả nước.

Nhấn mạnh việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự là nội dung quan trọng đối với Luật Phòng thủ dân sự, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng chỉ rõ, quy định như dự thảo Luật chưa làm rõ được mối quan hệ giữa các cấp độ phòng thủ dân sự với các cấp độ sự cố, rủi ro cụ thể tại các luật chuyên ngành; việc quy định căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự chưa có cơ sở, tiêu chí cụ thể, khó áp dụng. Do đó, Thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để khi có tình huống xảy ra sẽ kích hoạt ngay các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, phân loại cấp độ trên địa bàn lãnh thổ là chưa hợp lý. Bởi, có nhiều trường hợp như xảy ra sự cố tràn dầu trên địa bàn xã hoặc cháy, nổ nhà máy hóa chất cũng trên địa bàn xã thì liệu Chủ tịch xã có chỉ huy phòng thủ được hay không? Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngoài việc phân cấp độ phòng thủ dân sự theo lãnh thổ còn phải nghiên cứu phân cấp theo mức độ nguy hại của thảm họa, sự cố để có biện pháp ứng phó, giải pháp và lực lượng ứng phó chuyên trách phù hợp thì mới có thể đáp ứng được. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu quy định không thống nhất thì dự thảo Luật này bao trùm lên tất cả những luật có quy định cụ thể chuyên ngành thì đến khi áp dụng sẽ vướng mắc.  

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp	 Ảnh: Phạm Thắng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp
Ảnh: Phạm Thắng

Không làm thay trách nhiệm quản lý nhà nước 

Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự (Điều 37), dự thảo Luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương.

Cho rằng, đây là nội dung quan trọng của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, cần tiếp tục làm rõ thêm sự cần thiết tổ chức lại hay là hợp nhất hay là vừa hợp nhất, vừa tổ chức lại để thành lập Ban chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự quốc gia và ở cấp bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương.

Hiện nay các luật chuyên ngành đã quy định cụ thể đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, như phòng cháy, chữa cháy là Bộ Công an; phòng, chống thiên tai là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng, chống dịch là Bộ Y tế. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ khó triển khai và Chính phủ quy định cụ thể cũng rất khó. Theo Chủ tịch Quốc hội, có những sự cố, thảm họa cần phải huy động tất cả các lực lượng và cần thiết có thiết chế, điều phối chỉ huy chung để có chiến lược, kế hoạch, có tính chất tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ về vấn đề phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, đã là chỉ đạo, chỉ huy thì không làm thay trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, các ngành. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vẫn hợp nhất nhưng cần bảo đảm tính chuyên nghiệp, chuyên trách trong chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, trên cơ sở của Ủy ban thường vụ Quốc hội cần tiếp tục chỉnh lý, bổ sung hồ sơ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư. Trong đó, báo cáo rõ và thiết kế tổ chức cơ quan chỉ đạo chỉ huy phòng thủ dân sự theo hướng vừa hợp nhất, vừa tổ chức lại để vừa có Ban chỉ đạo chung về phòng thủ dân sự, vừa có các Ban chỉ đạo trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành.

Trung Thành