Giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Lâm Đồng

Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất

- Thứ Sáu, 29/07/2022, 06:10 - Chia sẻ

Trong giai đoạn 2016 - 2021, việc quản lý, sử dụng tài nguyên của Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực; đất đai được quản lý, sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Ghi nhận một số kết quả tích cực, song Đoàn giám sát của Quốc hội cũng lưu ý, Lâm Đồng cần tiếp tục xử nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; làm rõ những bất cập, vướng mắc và kiến nghị cụ thể liên quan đến quy định của hệ thống pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, nhất là các dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư tới.

Từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 2016 - 2021, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất ngày một chặt chẽ hơn; việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật đối với các công ty nông, lâm nghiệp; đề ra các giải pháp, xây dựng lộ trình, kế hoạch giải quyết dứt điểm cơ bản tình hình tranh chấp đất đai; xử lý các vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái pháp luật, không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được nâng cao, hạn chế được tình trạng khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản và lấn chiếm đất rừng; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Kết quả cụ thể của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý đất đai trong giai đoạn 2016 - 2021 là 1.381 triệu đồng; thu đồng hồi hơn 5.000.000m2 đất qua thanh tra, kiểm tra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc sắp xếp lại các nông lâm trường là một trong những điểm sáng của Lâm Đồng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của địa phương. Các thành viên Đoàn giám sát cũng chung nhận định, quản lý, sử dụng tài nguyên của Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực; đất đai được quản lý, sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Nhiều diện tích đất hoang hóa được khai thác đưa vào sử dụng cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân, hiệu quả sử dụng đất nâng lên. Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước được quản lý tương đối chặt chẽ, khai thác, sử dụng đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại cuộc làm việc - ảnh: Thanh Chi
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại cuộc làm việc
Ảnh: Thanh Chi

Làm rõ bất cập, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, một số thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra một số vi phạm pháp luật về đất đai, như tình trạng người dân cố tình phá rừng thông, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp... Nêu câu hỏi tại sao lại có tình trạng này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị địa phương cho biết trong quy hoạch và quản lý đất đai có vấn đề gì không? Bởi nếu có quy hoạch và quản lý tốt sẽ không có tình trạng nêu trên.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hành vi cố ý phá rừng thông ở Lâm Đồng không phải để lấy gỗ mà nhằm chuyển mục đích sử dụng đất trái phép đối với đất rừng. Đại biểu cũng nêu thực tế, hiện nay, việc biến đất nông nghiệp thành mô hình nông trại kết hợp dịch vụ lưu trú (farmstay) nhằm thu hút khách du lịch cũng là một trong những hình thức vi phạm pháp luật khá phổ biến về đất đai. Lâm Đồng cần đánh giá, phân tích kỹ, bởi mặt tốt của mô hình này là khuyến khích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút khách du lịch, song mô hình "farmstay" còn nhiều khoảng trống pháp lý, vì phần lớn các dự án "farmstay" có nguồn gốc đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm. Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cần đánh giá kỹ tác động của xu hướng này tới việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất, từ đó nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách điều chỉnh phù hợp, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.

Qua rà soát cho thấy, Lâm Đồng hiện có khoảng 52.000ha đất lấn chiếm đang sản xuất nông nghiệp ổn định tại các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Về phương án xử lý diện tích đất lấn chiếm này, báo cáo của UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát, điều chỉnh diện tích này trong hoặc đưa ra ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp, bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, điều kiện thực tế của từng vị trí, diện tích. UBND tỉnh cũng đề nghị, Trung ương có cơ chế hỗ trợ tỉnh thực hiện giải pháp trồng xen cây lâm nghiệp mật độ thấp trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao độ che phủ và giá trị môi trưởng của rừng.

Quan tâm đến nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị, báo cáo của tỉnh cần đánh giá rõ hiệu quả của việc đưa 52.000ha đất lâm nghiệp sang sản xuất nông nghiệp, bởi thực tế hiện nay, trong khu vực Tây Nguyên, nhiều địa phương cũng thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp rất có hiệu quả. Lâm Đồng cần đánh giá mặt được và không được của việc chuyển mục đích sử dụng đất này. Theo đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất này có giúp ích gì trong việc điều tiết ngân sách về cho Trung ương không? Mặc dù việc khai thác là tốt nhưng lại không giúp điều tiết về cho ngân sách nhà nước thì cũng là một sự thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, thành viên Đoàn giám sát chỉ rõ.

Trong quản lý đất đai, quy định hiện hành về chuyển đổi mục đích sử dụng đất bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, khiến cho việc chuyển mục đích sử dụng đất đôi khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì điều quan trọng nhất là tính hiệu quả của việc chuyển đổi mục đích sử dụng này như thế nào? Thực tế, qua giám sát, một số địa phương cho rằng, quy định hiện nay quá "cứng nhắc" và đề nghị Đoàn giám sát cần có đề xuất để tạo cơ chế linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiệu quả, giúp khơi thông nguồn lực cho phát triển, vừa bảo đảm tính chặt chẽ, dựa trên quy hoạch sử dụng đất. Nêu vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề nghị, địa phương làm rõ những bất cập, vướng mắc và kiến nghị cụ thể liên quan đến quy định của hệ thống pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, nhất là các dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư tới, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Địa phương là nơi trực tiếp áp dụng, tổ chức thi hành chính sách, pháp luật, đồng thời, cũng là nơi kiểm chứng chính sách, pháp luật. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, kết quả giám sát tại địa phương là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.

Nhật An